Bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại; cuộc sống của nhiều người thay đổi rõ rệt. So sánh với giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 kéo dài thời điểm trước năm 2021; mặc dù phải giãn cách xã hội nhưng tình hình kinh tế nhìn chung vẫn phát triển. Nhiều phương pháp làm việc trực tuyến được đưa ra; và nhiều cá nhân sau khi dịch bệnh qua đi đã tìm cho mình được một lối sống và một công việc phù hợp.

Khi đang trên đà phát triển, khủng hoảng kinh tế ập tới trên thế giới vào năm 2021 và bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ giữa năm 2022. Hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự; dẫn tới nhiều người lao động thất nghiệp; không thể tìm kiếm cho mình một công việc ổn định. Với những sinh viên mới ra trường; việc không có kinh nghiệm làm việc khiến nhiều sinh viên rơi vào trạng thái không tìm được công việc để tích lũy kinh nghiệm. Vậy nên, để có thể tìm một công việc vào thời kỳ khủng hoảng này; các bạn cần chú ý những điều sau:

Quan sát, sàng lọc những chương trình tuyển dụng sinh ra để chạy KPI

Mặc dù hiện nay đang là thời kỳ khủng hoảng kinh tế; nhiều công ty không muốn tuyển thêm người hoặc muốn tuyển những người có hiệu suất làm việc cao hơn để thay thế nhân sự trong công ty. Chính vì vậy, đội ngũ nhân sự tại các công ty vẫn sẽ bị áp KPI khi tuyển ứng viên. KPI sẽ tính theo số lượng CV được gửi vào email của công ty. Vậy nên, để đạt đủ số KPI; nhiều nhân sự sẽ đăng thông tin tuyển dụng và mô tả công việc rất dễ dàng như chỉ cần bằng đại học, không yêu cầu kinh nghiệm; đi kèm với đó là một mức lương cao (đây sẽ là mức lương cao nhất bộ phận tuyển dụng có thể deal cho ứng viên khi phỏng vấn).

Tuy nhiên, sau khi gửi CV ứng tuyển đi; nhiều ứng viên có thể không nhận được phản hồi; hoặc nhận được phản hồi với nội dung công việc yêu cầu người có kinh nghiệm, có khả năng vào làm việc luôn mà không cần training; công việc có yêu cầu về độ tuổi; công việc yêu cầu về ngoại hình; công việc yêu cầu làm xoay ca ban đêm;… Với những lý do như vậy, nhiều ứng viên bị loại mặc dù đã đáp ứng đủ yêu cầu ghi trong JD.

Vậy nên, khi đọc mô tả công việc; các bạn nên loại từ đầu những JD như vậy để tránh lãng phí thời gian của cả hai bên.

Thể hiện sự chuyên nghiệp của mình thông qua những bài đăng tìm việc làm

Bên cạnh việc nhân sự sẽ là người đăng thông tin tuyển dụng; nhiều ứng viên thường sử dụng các trang mạng xã hội như facebook để tìm công việc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, ứng viên đăng bài tìm việc chỉ ghi vài dòng như: “Em là nữ sinh năm…, tốt nghiệp đại học…tại…đang muốn tìm công việc”.

Một số bài đăng khác có nội dung hơn thì sẽ ghi thêm hiện đang muốn tìm công việc liên quan đến ngành gì. Mặc dù mạng xã hội là nơi chúng ta có thể đăng bất cứ thứ gì; nhưng việc “rao bán bản thân” trên mạng xã hội chỉ bằng vài dòng ngắn ngủi không bỏ thêm một chút tâm huyết nào sẽ chỉ thu về cho bạn những công việc như vậy. Sẽ không có một nhân sự của một tập đoàn lớn hay của một công việc tử tế, uy tín để ý đến những bài đăng như vậy khi mà bản thân bài đăng đã chỉ ra quá nhiều khuyết điểm về chủ nhân của bài đăng:
– Tâm lý ăn sẵn.
– Không muốn đi tìm việc mà muốn công việc tự tìm đến mình.
– Thiếu sự chỉn chu.
– Thiếu chuyên nghiệp.

Vậy nên, để tăng khả năng có một công việc tốt; các bạn có thể áp dụng mẫu sau khi đăng tin tìm việc trên mạng xã hội:

TÌM VIỆC!!!
Em/mình là (ghi rõ họ và tên), sinh năm …, là cử nhân ngành …. trường đại học/học viện ….
Em/mình đã có kinh nghiệm … năm với công việc….tại công ty….; … năm kinh nghiệm với vị trí…tại công ty…
Bên cạnh đó, em/mình còn thông thạo tin học văn phòng, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và hiện đang học thêm ….
Em mong muốn tìm một công việc liên quan đến lĩnh vực …..
Mong các anh chị nhân sự đọc được bài đăng này xem xét và liên hệ với em qua thông tin sau:
– Số điện thoại: …
– Email: …
(Dưới bài đăng đính kèm CV)

Chú ý những sai sót nhỏ trong CV có thể gây mất điểm

Mặc dù những thông tin ghi trong CV có thể không phản chiếu con người của chúng ta 100%; nhưng nhiều nhà tuyển dụng chỉ cần đọc CV là có thể đưa ra mức lương sẽ deal với bạn khi phỏng vấn. Thậm chí chỉ cần đọc CV sẽ quyết định có nên chọn CV của bạn hay không.

Trước tiên, CV là thông tin đầu tiên nhà tuyển dụng tiếp nhận và được biết về bạn. Mặc dù sau đó sẽ còn có các vòng phỏng vấn, kiểm tra để kết luận hai bên có thể làm việc với nhau được hay không nhưng CV sẽ là yếu tố quyết định những vòng phỏng vấn sau đó có được diễn ra hay không. Vậy nên, khi làm CV hãy chú ý những điều sau:
– Ảnh trên CV là ảnh tương tự ảnh thẻ; có thể chụp theo tư thế và kiểu dáng thể hiện cá tính cá nhân nhưng phải đảm bảo giúp nhà tuyển dụng nhìn rõ mặt. Ảnh thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp; không chọn những ảnh chu môi, phồng má hay chụp selfie.
– Thông tin họ và tên, ngày tháng năm sinh trên CV nên để có cỡ chữ bằng nhau hoặc cỡ chữ họ và tên to hơn nhưng đảm bảo không khác biệt quá rõ ràng.
– Thông tin liên hệ đảm bảo đủ các thông tin: số điện thoại, địa chỉ email, facebook và địa chỉ nhà.
– Khi ghi mục kỹ năng, không nên dùng thang chấm mà nên dùng từ ngữ thể hiện như:
+ Thành thạo word, excel, ppt.
+ Sử dụng được máy photo văn phòng.
+ Khắc phục được những lỗi cơ bản trên máy tính.

Việc ghi như vậy cho nhà tuyển dụng cái nhìn rõ hơn về ứng viên thay vì phải nhìn thang chấm và quy ra điểm số. Và đôi khi thang chấm đó nhà tuyển dụng còn không biết bạn dựa trên thang nào để chấm.
– Nếu còn đang làm sinh viên, hãy đưa những hoạt động mình đã tham gia trên đại học để làm đẹp CV. Tuy nhiên, những hoạt động này nên thể hiện sự năng động của bản thân ứng viên như:
+ Là thành viên CLB…
+ Tham gia tổ chức chương trình, sự kiện,…
+ Tham gia cuộc thi …. (cuộc thi liên quan đến ngành học hoặc công việc)

Ngoài ra, ứng viên có thể nêu ra những đầu việc chủ yếu phải làm với mỗi chương trình, sự kiện đã tham gia. Điều này thể hiện khả năng am hiểu, tiếp thu và nắm bắt công việc của ứng viên.
Tránh đưa ra những thông tin không mang ý nghĩa như tham gia hiến máu tình nguyện hay tham gia giải chạy,… những thông tin như vậy không thể hiện sự năng động của ứng viên.
– Nếu đã đi làm và có kinh nghiệm, bên cạnh việc nêu ra chức danh công việc và công ty; các bạn có thể tham khảo để đưa ra thêm các thông tin như:
+ Mô tả công việc tại công ty.
+ Những phát kiến của bạn với công việc đó giúp giải quyết công việc nhanh hơn.
+ Bạn sắp xếp những công việc đó như thế nào trong một ngày.

Cách gửi CV cho nhà tuyển dụng một cách chuyên nghiệp

Thông thường, một email ứng tuyển bao gồm tiêu đề, nội dung email và CV đính kèm. Tuy nhiên, nhiều ứng viên thường mắc những lỗi như:
– Gửi email không có tiêu đề.
– Gửi email có tiêu đề nhưng không có nội dung, chỉ đính kèm CV.
– Gửi email có tiêu đề, có đính kèm CV nhưng không có nội dung.
– Gửi email có tiêu đề nhưng chỉ có nội dung, không đính kèm CV.

Bên cạnh đó, lỗi lớn nhất nhiều người mắc phải là sử dụng email lập từ thời còn đi học với những cái tên rất “ngộ nghĩnh”. Việc đặt tên như vậy không sai nhưng sẽ gây mất điểm với nhà tuyển dụng; khiến nhà tuyển dụng khó khăn khi muốn tìm email để gửi thư mời phỏng vấn. Vậy nên, các bạn có thể xem xét việc lập một email chỉ bao gồm họ tên và ngày tháng năm sinh chỉ chuyên dùng cho công việc.

Mang theo hồ sơ khi tham gia phỏng vấn

Hồ sơ nên mang theo khi tham gia phỏng vấn thường bao gồm:
– Bản photo CV đã gửi cho nhà tuyển dụng.
– CCCD bản photo hoặc bản sao y.
– Sơ yếu lý lịch bản sao chứng thực từ bản gốc (do một bản chính sơ yếu lý lịch phải xin ở xã, phường, thị trấn; nếu xin tại văn phòng công chứng sẽ có giá từ 100.000 đến 200.000 đồng một bộ. Và khi chưa trở thành người lao động của công ty, nhân sự cũng sẽ không lưu hồ sơ của bạn; nếu nộp hồ sơ bản chính sẽ lãng phí và bạn lại mất công đi làm lại lần nữa. Vậy nên, bạn có thể chọn phương án nộp hồ sơ bản sao chứng thực trước; nếu được nhận vào làm bạn có thể bổ sung bản chính.
– Giấy tờ biểu thị quá trình cống hiến trước đó như: giải thưởng, công nhận, đánh giá của cấp trên,…
– Với sinh viên, có thể mang theo bảng điểm in trực tiếp từ website của trường; giải thưởng đã đạt được khi còn là sinh viên.

Sàng lọc thông tin trả lời khi tham gia phỏng vấn

Nhiều ứng viên khi tham gia trả lời phỏng vấn thường có suy nghĩ phải thể hiện ra tất cả mọi thứ mà bản thân có. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên đưa ra những thứ mà công việc đang ứng tuyển cần.

Bên cạnh đó, nhiều người sau khi xem những thông tin đưa ra trên mạng xã hội thường có suy nghĩ phải trả lời điểm yếu khi được hỏi tới sao cho điểm yếu đó chính là điểm mạnh của mình. Ví dụ như trả lời: điểm yếu của em là quá cầu toàn; điểm yếu của em là quá năng nổ, nhiệt tình; … việc trả lời như vậy sẽ gây phản cảm cho nhân sự và nhân sự sẽ không thích một người không nhìn nhận thẳng thắn vào điểm yếu của mình như vậy.

Xác định rõ giá trị của mình

Quan hệ lao động là một mối quan hệ thuận mua vừa bán: một bên cung cấp sức lao động, một bên sử dụng sức lao động đó. Nhiều bạn thường có thói quen tìm hiểu mức lương bình quân ở mỗi vị trí và đưa ra mức lương cao hơn như vậy. Tuy nhiên, mức lương bình quân chỉ là căn cứ xác nhận thu nhập của bản thân. Còn mức lương được trả sẽ tương xứng với giá trị bạn có thể cung cấp cho công ty.

Vậy nên, nhiều ứng viên, đặc biệt là sinh viên mới ra trường sẽ bị loại vì deal một mức lương không phù hợp với bản thân với lý do em thấy mức lương này là mức lương bình quân cho vị trí này hay phải có mức lương này em mới đủ sống.

Lập bảng theo dõi những công việc bản thân quan tâm và ứng tuyển

Thời kỳ khủng hoảng, chúng ta chắc chắn sẽ phải “rải CV” để nâng cơ hội có việc làm của bản thân. Tuy nhiên, việc rải CV mà không có sự quản lý dễ khiến chúng ta rơi vào trạng thái mất phương hướng; không biết bản thân đã ứng tuyển những công việc nào; không biết những công việc đó đã được gọi chưa; mức lương được trả là bao nhiêu; chế độ phúc lợi là như thế nào; …

Việc lập bảng quản lý sẽ khiến ta có cái nhìn tổng quát về các công việc; thuận tiện cho việc so sánh mức lương, chế độ giữa các công việc và chọn công việc ta thấy phù hợp nhất.

Trên đây là quan điểm cá nhân của mình về những điều cần chuẩn bị để có thể tìm việc trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu thấy hữu ích, hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của page nhé. Chúc các bạn sớm tìm được công việc phù hợp với bản thân mình.

Was this helpful?

0 / 0