Đứng trước tình hình nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều người lao động đã được công ty đưa sang nước ngoài làm việc thắc mắc về việc thực hiện các hợp đồng lao động đã ký. Có thể thấy, các lỗi khiến doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thường là:
– Ký hợp đồng lao động với người lao động làm việc ở nước ngoài sai mẫu hợp đồng.
– Đưa lao động người Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng đã đăng ký.
– Thanh lý hợp đồng với người Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài không theo quy định của pháp luật.
– Không hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Đóng không đúng thời hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép khi nào
Điều 16 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định như sau:
Điều 16. Nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép
1. Doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật;
b) Chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép trong trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo;
b) Không duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này;
c) Không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác mà bên nước ngoài không thể tiếp nhận người lao động;
d) Vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8, 11, 12 hoặc 13 Điều 7 của Luật này;
đ) Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm c, e, g, h và i khoản 2 Điều 26 của Luật này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần đối với người lao động.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi Giấy phép; công bố việc thu hồi Giấy phép trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi; công bố việc nộp lại Giấy phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đặt trụ sở chính.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép khi:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo.
– Không đảm bảo được các điều kiện sau:
+ Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước.
+ Đã ký quỹ theo quy định.
+ Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam; trình độ đại học; ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác.
+ Có đủ nhân sự.
+ Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
+ Có trang thông tin điện tử.
– Không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ lý do bất khả kháng từ phía bên nước tiếp nhận.
– Vi phạm các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần đối với người lao động.
Bị thu hồi giấy phép, hợp đồng lao động xử lý như thế nào?
Sau khi bị thu hồi giấy phép, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các lao động sang làm việc tại nước ngoài vẫn còn. Điều 27 Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định:
Điều 27. Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép
1. Trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điều 16 của Luật này, doanh nghiệp dịch vụ không được thực hiện hoạt động, dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Luật này và có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đã xuất cảnh;
b) Giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng.
2. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
3. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật này.
Như vậy, kể cả sau khi đã bị thu hồi giấy phép, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với những người lao động đã xuất cảnh. Đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp đã tuyển chọn và đang tham gia bồi dưỡng để sang nước ngoài.
Was this helpful?
0 / 0