Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là thiệt hại phát sinh không dựa trên cơ sở hợp đồng. Những thiệt hại ngoài hợp đồng thường gặp là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản. Chính vì thiệt hại không phát sinh trên cơ sở hợp đồng nên mức bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, thỏa thuận của hai bên và phán quyết của Tòa án để xác định.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh dựa trên:
– Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
– Có thiệt hại xảy ra.
– Giữa hành vi xâm phạm và hậu quả thiệt hại có mối quan hệ nhân quả.
– Trường hợp tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu tài sản có trách nhiệm bồi thường.
– Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng, do lỗi hoàn toàn của bên bị thiệt hại.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Các trường hợp bị tai nạn khi đi xe ôm công nghệ và bồi thường trong các trường hợp đó

Khi tham gia giao thông bằng xe ôm công nghệ, mối quan hệ sẽ phát sinh giữa 03 bên: người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ, tài xế xe ôm công nghệ và công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ. Tương tự như vậy, khi tai nạn xảy ra, quyền và nghĩa vụ sẽ phát sinh giữa 03 chủ thể: người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ, tài xế xe ôm công nghệ, công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ.

Để xác định khi tai nạn xảy ra, tài xế xe ôm công nghệ hay công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ phải bồi thường; ta phải xem xét vấn đề hợp đồng giữa công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ và tài xe xe ôm công nghệ.

Trường hợp hai bên ký hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trường hợp hai bên ký hợp đồng lao động, tài xế xe ôm công nghệ được coi là người của pháp nhân do việc tài xế xe ôm công nghệ chở người gây tai nạn là đang trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Vậy nên, công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ sẽ là bên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ khi người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ bị tai nạn.

Trường hợp hai bên ký hợp đồng hợp tác

Trường hợp hai bên chỉ ký hợp đồng hợp tác có thể hiểu mối quan hệ giữa tài xế xe ôm công nghệ và công ty kinh doanh dịch vụ xe ôm công nghệ là mối quan hệ mà hai bên cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Vậy nên, tài xế xe ôm công nghệ trong trường hợp này không được coi là người của pháp nhân. Trong trường hợp tai nạn xảy ra, tài xế xe ôm công nghệ sẽ là bên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ.

Các trường hợp bảo hiểm bồi thường do bị tai nạn khi đi xe ôm công nghệ

Theo quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 như sau:

Điều 16. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:
1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này;
3. Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;
4. Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
5. Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.

Theo đó, nguyên tắc thế quyền thể hiện bảo hiểm của công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm hoặc bảo hiểm của tài xế xe ôm công nghệ sẽ đứng ra bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ bị tai nạn trước. Sau đó, dựa trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên, công ty bảo hiểm sẽ đòi lại phần chênh lệch số tiền bồi thường thiệt hại nếu số tiền bồi thường thiệt hại vượt quá giới hạn mức bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, trong mọi trường hợp; nếu chuyến xe đã được mua bảo hiểm xảy ra tai nạn; công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ và tài xế xe ôm công nghệ (nếu có). Sau đó, nếu xác định được lỗi thuộc về bên nào; công ty bảo hiểm sẽ đòi tiền bồi hoàn từ bên có lỗi.

Có nên mua bảo hiểm chuyến đi khi di chuyển bằng xe ôm công nghệ không?

Hiện tại, tài xế xe ôm công nghệ đều được tập huấn khá kĩ về vấn đề an toàn giao thông khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để đảm bảo chạy được nhiều cuốc xe; nhiều tài xế xe ôm công nghệ sẽ không tuân thủ hoàn toàn luật giao thông đường bộ. Và khi không tuân thủ luật giao thông đường bộ; tai nạn sẽ dễ dàng xảy ra; và khi tai nạn xảy ra; người đi sai luật sẽ không được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, người sử dụng phương tiện xe ôm công nghệ nên mua bảo hiểm chuyến đi khi di chuyển bằng xe ôm công nghệ để đảm bảo quyền lợi khi sử dụng dịch vụ.

Was this helpful?

0 / 0