Cuộc thi hoa hậu được hiểu như thế nào?

Khoản 2 Điều 2 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ
2. Biểu diễn nghệ thuật là hoạt động thể hiện các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang, các hoạt động văn hoá, thể thao.

Như vậy, cuộc thi hoa hậu được hiểu là biểu diễn nghệ thuật. Và hoạt động biểu diễn nghệ thuật được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 144/2020/NĐ-CP là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật.

Các cuộc thi hoa hậu nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam hiện nay bao gồm: Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam; Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam; Hoa hậu Việt Nam.

Điều kiện tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam

Điều 16. Điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại khoản 2 Điều 14
1. Điều kiện tổ chức cuộc thi:
a) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
b) Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
c) Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hình thức tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam

Điều 14. Hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu
1. Cuộc thi dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Cuộc thi khác không thuộc hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện quy định tại Điều 16 Nghị định này.
3. Cuộc thi không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.

Như vậy, ta có 03 hình thức tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam:
– Cuộc thi tổ chức trong nội bộ cơ quan, tổ chức.
– Cuộc thi tổ chức không thuộc nội bộ cơ quan, tổ chức.
– Cuộc thi tổ chức đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Việc thông báo, đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam sẽ thực hiện với cuộc thi tổ chức trong nội bộ cơ quan, tổ chức và cuộc thi không thuộc nội bộ cơ quan, tổ chức. Còn đối với cuộc thi tổ chức đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng sẽ do tổ chức đó tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, các cuộc thi tại nội bộ cơ quan, tổ chức và cuộc thi đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng không yêu cầu kiểm soát gắt gao như cuộc thi tổ chức không thuộc nội bộ cơ quan, tổ chức. Vậy nên, bài viết này tập trung vào cách đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu không thuộc nội bộ cơ quan, tổ chức.

Hồ sơ đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam

Điều 16. Điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu quy định tại khoản 2 Điều 14
1. Điều kiện tổ chức cuộc thi:
a) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật;
b) Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
c) Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 1 Điều này là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của pháp luật.
4. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục:
a) Văn bản đề nghị tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
b) Đề án tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
5. Thủ tục cấp văn bản chấp thuận:
a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi;
b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ;
c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) đồng thời đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử. Trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
d) Trường hợp thay đổi nội dung cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản nêu rõ lý do gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đã chấp thuận phải xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân đề nghị;
đ) Trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản thông báo gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận và chính quyền địa phương nơi tổ chức cuộc thi ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi.

Hồ sơ đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam bao gồm:
– Văn bản đề nghị tổ chức cuộc thi theo mẫu.
– Đề án tổ chức cuộc thi theo mẫu. Trong đó, đề án tổ chức cuộc thi sẽ bao gồm:
+ Tên gọi cuộc thi và tổ chức tổ chức cuộc thi.
+ Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.
+ Điều kiện, đối tượng tham gia dự thi.
+ Nội dung, trình tự tổ chức cuộc thi.
+ Danh hiệu, giá trị giải thưởng và thời gian trao danh hiệu, giải thưởng của cuộc thi.

Trình tự, thủ tục đăng ký tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam

– Bước 1: Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP.
– Bước 2: Trước khi tổ chức cuộc thi tối thiểu 30 ngày, Ban tổ chức cuộc thi gửi 01 bộ hồ sơ đến UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc thi hoa hậu bằng các hình thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc thi hoa hậu.
+ Nộp qua đường bưu điện tới UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc thi hoa hậu.
+ Nộp hồ sơ trực tuyến qua trang web: https://motcuadientu.hanoi.gov.vn/ (Trường hợp tổ chức cuộc thi tại Hà Nội).
– Bước 3: Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, UBND cấp tỉnh có văn bản thông báo hoàn thiện hồ sơ nếu hồ sơ không hợp lệ.
– Bước 4: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh cấp văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi. Trường hợp không chấp thuận sẽ có văn bản nêu rõ lý do.

Xử phạt đối với cơ sở tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam khi chưa được cấp phép

Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP; cơ sở tổ chức cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Công ty tự tổ chức cuộc thi sắc đẹp có cần xin phép không?

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định trong trường hợp các công ty tự tổ chức cuộc thi sắc đẹp cần gửi Thông báo đến UBND cấp huyện nơi tổ chức cuộc thi trước khi tổ chức cuộc thi ít nhất 10 ngày. Vậy nên, công ty tự tổ chức các cuộc thi sắc đẹp vẫn cần thông báo tới UBND cấp huyện; không được tự ý tổ chức.

Hồ sơ đăng ký thi sắc đẹp ở nước ngoài cần có gì?

Đăng ký thi sắc đẹp ở nước ngoài được hiểu là người Việt Nam dự thi các cuộc thi sắc đẹp tại nước ngoài. Hồ sơ đăng ký để ra nước ngoài thi sắc đẹp cần:
– Tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
– Bản sao giấy mời dự thi kèm theo bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch.

Was this helpful?

0 / 0