Định nghĩa đi làm khi chưa đủ tuổi

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi. Trong quan hệ lao động đặt ra 03 mốc tuổi: chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi và đủ 18 tuổi. Theo đó, người lao động được hiểu là người từ đủ 18 tuổi trở lên tham gia vào quan hệ lao động một cách độc lập. Trong khi đó, người chưa đủ 18 tuổi phải có sự can thiệp của người đại diện theo pháp luật.

Vậy nên, đi làm khi chưa đủ tuổi là đi làm khi chưa đủ 18 tuổi.

Giao kết hợp đồng lao động với lao động chưa đủ 18 tuổi

Khoản 4 điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động với lao động chưa đủ 18 tuổi, hợp đồng lao động phải đảm bảo:
– Với lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: người lao động tự giao kết hợp đồng, trong hợp đồng phải kèm theo văn bản đồng ý để người lao động giao kết hợp đồng lao động.
– Với lao động chưa đủ 15 tuổi: người lao động và người đại diện của người lao động cùng giao kết hợp đồng lao động. Hay nói cách khác, trong hợp đồng lao động phải có cả thông tin và chữ ký của người đại diện của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTB&XH.

Danh mục công việc không được sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi

Danh mục công việc không được sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLDTB&XH bao gồm các công việc sau:
– Trực tiếp luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thiếc, thuỷ ngân, kẽm, bạc).
– Đốt và ra lò luyện cốc.
– Đốt lò đầu máy hơi nước.
– Vận hành nồi hơi đốt nhiên liệu (than đá, bã mía, củi, mùn cưa, trấu) và nồi hơi sử dụng nhiên liệu lỏng và có khí áp suất làm việc từ 4,0 bar trở lên, công suất trên 0,5 T/h).
– Vận hành hệ thống điều chế và nạp axetylen, oxy, hydro, clo và các khí hoá lỏng, các trạm khí nén có áp suất 8,0 bar.
– Vận hành hệ thống lạnh (làm nước đá, đông lạnh).
– Lắp đặt khuôn máy rèn, dập, ép, cắt kim loại (không phân biệt máy hơi nước, khí nén, điện hoặc cơ).
– Thu gom bã thải sản xuất cồn công nghiệp.
– Vận hành máy hồ vải sợi.
– Nhuộm, hấp, vải sợi.
– Chủ nhiệm kho, thủ kho, phụ kho kho hóa chất, thuốc nhuộm.
– Khai thác đá, đập đá thủ công, cậy bẩy đá trên núi.
– Trực tiếp đưa vật liệu vào máy nghiền đá và làm việc với máy nghiền đá.
– Tuyển quặng chì.
– Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ 4 atmotphe trở lên (như máy khoan, máy búa và các máy tương tự gây những chấn động không bình thường cho thân thể người).
– Đãi, tuyển vàng, quặng, đá đỏ.
– Trực tiếp đào gốc cây có đường kính lớn hơn 40cm bằng phương pháp thủ công.
– Cưa xẻ gỗ 2 người kéo bằng phương pháp thủ công.
– Đốn hạ những cây có đường kính từ 35cm trở lên, cưa cắt cành, tỉa cành trên cao bằng phương pháp thủ công.
– Vận xuất gỗ lớn, xeo bắn, bốc xếp gỗ có đường kính từ 35cm trở lên bằng thủ công, bằng máng gỗ, bằng cầu trượt gỗ.
– ….

Danh mục nơi làm việc không đủ điều kiện sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi

Danh mục nơi làm việc không đủ điều kiện sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 09/2020/TT-BLĐTB&XH. Cụ thể:
– Tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, bao gồm: điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông, bụi amiăng, bụi than, bụi tale; các loại chất, tia phóng xạ; bức xạ bởi tia X, các chất độc hại và các tia có hại khác.
– Tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.
– Thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom.
– Trên giá cao hay dây treo cao hơn 2 m so với mặt sàn làm việc; địa hình đồi núi dốc trên 300.
– Các công việc ở trong hố sâu hơn 5m.
– Làm việc trong nhà tù hoặc trong bệnh viện tâm thần.

Cha mẹ có bị phạt nếu con đi làm khi chưa đủ tuổi

Không có quy định về việc xử phạt cha mẹ khi con đi làm khi chưa đủ tuổi. Bởi việc trẻ đi làm khi chưa đủ tuổi có thể do mong muốn của trẻ; do muốn cố gắng nỗ lực vì một mục tiêu nào đó. Trừ trường hợp cha mẹ ép buộc con cái đi làm khi chưa đủ tuổi; những trường hợp còn lại, cha mẹ sẽ không bị xử phạt khi con đi làm khi chưa đủ tuổi.

Doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào khi sử dụng lao động chưa đủ tuổi làm việc

Đối với doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ phát sinh đối với rất nhiều hành vi như: giao kết hợp đồng không bằng văn bản; giao kết hợp đồng khi không có sự đồng ý hay cho phép của người đại diện theo pháp luật; sắp xếp lịch làm việc ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển của lao động chưa đủ tuổi. Cụ thể

Xử phạt trong sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi: giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi: sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi; sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi: sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt trong sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với hành vi: sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi; sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi: sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép; sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, cha mẹ không bị phạt nếu để con đi làm khi chưa đủ tuổi. Nhưng doanh nghiệp sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi mà không tuân theo những điều kiện đặt ra đối với lao động này sẽ bị phạt với các mức hình phạt đã nêu ở trên.

Was this helpful?

0 / 0