“Em ở trọ, không sống cùng chủ nhà. Nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn, những người thuê nhà như em hay người chủ nhà phải chịu trách nhiệm?”

Thuê trọ là sự lựa chọn nhiều người không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn cả người đã đi làm và đã lập gia đình khi chưa đủ tài chính để có thể mua chung cư hoặc xây nhà. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy nhiều khu trọ đang trong tình trạng xuống cấp do nhà đã cũ, hệ thống điện không được sửa sang; dẫn đến không chịu được những thiết bị hiện tại với mức tiêu thụ điện năng lớn. Đây cũng là thực trạng thường thấy ở nhiều khu ký túc xá cho sinh viên; hệ thống điện đã xuống cấp nên nồi cơm điện, máy sấy tóc và một số loại đồ gia dụng khác sẽ bị cấm sử dụng trong ký túc xá.

Để dẫn tới thực trạng này do năm nào cũng sẽ có sinh viên mới vào đại học; sinh viên sau khi ra trường đi làm cũng sẽ tiếp tục ở trọ. Vậy nên, không có khoảng thời gian trống cho chủ trọ có thể sửa chữa lại toàn bộ phòng trọ. Bên cạnh đó, nhiều chủ trọ có tâm lý tận thu, nghĩ rằng có xây nhà vẫn sẽ xuống cấp, và việc dừng 1, 2 năm để cải tạo lại trọ gây tốn kinh phí trong khi để yên vậy vẫn có người thuê. Vậy nên, tình trạng cháy nhà là có thể xảy ra.

Khi phòng trọ bị cháy, chủ nhà hay người thuê trọ phải chịu trách nhiệm

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh với người có hành vi xâm phạm. Hay nói cách khác, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai cần xác minh:
– Ai là người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
– Phải có hậu quả thiệt hại xảy ra.
– Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả thiệt hại.

Vậy nên, trường hợp phòng trọ bị cháy sẽ phát sinh các trường hợp sau:
– Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của chủ nhà.
– Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của người thuê.
– Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của cả hai bên.

Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của chủ nhà

Trường hợp phòng trọ cháy bởi lỗi của chủ nhà như không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy; không sửa chữa kịp thời gây nên hậu quả phòng trọ bị cháy; chủ nhà sẽ là người phải chịu trách nhiệm.

Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của người thuê

Trường hợp phòng trọ cháy bởi lỗi của người thuê như không tuân theo các quy định của khu trọ về phòng cháy chữa cháy; người thuê là người phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, nếu người thuê bị thiệt hại trong trường hợp này sẽ không được bồi thường thiệt hại.

Trường hợp phòng trọ bị cháy do lỗi của cả hai bên

Trường hợp phòng trọ bị cháy là do lỗi của cả hai bên thì cả hai phải cùng chịu trách nhiệm với hậu quả phòng trọ bị cháy tương ứng với phần lỗi của mình. Nếu như gây thiệt hại sang những nhà khác thì hai bên sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm cho những nhà bị thiệt hại do vụ cháy.

Vậy nên, khi phòng trọ bị cháy; để xác định ai là người phải chịu trách nhiệm cần xác định lỗi thuộc về bên nào.

Was this helpful?

0 / 0