Tôi đang tuyển dụng một số nhân viên bao gồm cả quản lý và phục vụ cho quán ăn sắp khai trương, tổng cộng khoảng 10 người.
Tôi định chỉ thỏa thuận miệng với nhân viên về mức lương, phụ cấp và thời gian làm việc chứ không ký hợp đồng lao động hay đóng bảo hiểm. Tôi cũng chưa biết về lâu dài quán ăn sẽ hoạt động thế nào nên nếu phải lý hợp đồng lao động sẽ có rất nhiều ràng buộc.
Tuy nhiên, bạn tôi nói tuyển nhân viên vào làm việc phải ký hợp đồng lao động nêu rõ các chế độ lương, trợ cấp, thời gian làm việc, nghỉ việc… theo quy định của pháp luật.
Xin hỏi tôi có buộc phải ký hợp đồng lao động với các nhân viên và đóng bảo hiểm xã hội cho họ không? Tôi phải làm thế nào mới đúng quy định của pháp luật về lao động?

Như vậy, vấn đề bạn đang thắc mắc ở đây bao gồm:
1. Bạn có phải ký hợp đồng lao động với nhân viên không?
2. Bạn có phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ không?

Do quán của bạn hiện tại mới khai trương và chưa chắc chắn về thời hạn hoạt động nên bạn chưa xác định về thời hạn giao kết hợp đồng với nhân viên.

Chủ quán có phải ký hợp đồng lao động với nhân viên

Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Theo đó, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản. Có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp:
– Hợp đồng lao động do một nhóm người ủy quyền cho một người giao kết.
– Hợp đồng lao động giao kết với người lao động chưa đủ 15 tuổi.
– Hợp đồng lao động giao kết với người giúp việc gia đình.

Như vậy, chủ quán có thể giao kết hợp đồng lao động bằng hình thức thỏa thuận miệng trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng, và không rơi vào các trường hợp:
– Hợp đồng lao động do một nhóm người ủy quyền cho một người giao kết.
– Hợp đồng lao động giao kết với người lao động chưa đủ 15 tuổi.
– Hợp đồng lao động giao kết với người giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn bằng miệng với thời hạn dưới 01 tháng sẽ phát sinh ra vấn đề.

Quán ký liên tiếp nhiều hợp đồng lao động xác định thời hạn

Điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

Như vậy, trường hợp quán đã giao kết hợp đồng lao động theo phương thức thỏa thuận miệng 02 lần, thì đến lần thứ 3, hợp đồng sẽ thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Và hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ phải giao kết bằng văn bản và phát sinh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Hay nói cách khác, chủ quán nếu chọn thỏa thuận bằng miệng sẽ chỉ làm việc được với nhân viên hiện tại trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Quán chỉ thỏa thuận một lần và không thỏa thuận lại

Trường hợp quán thỏa thuận một lần và không thỏa thuận lại. Đây là việc khá nhiều chủ quán vướng vào do nghĩ khi giao kết hợp đồng bằng hình thức thỏa thuận miệng không đưa ra thời hạn, chỉ cần làm đến khi hai bên chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không để ý. Nhưng thời hạn của hợp đồng lao động bằng miệng là dưới 1 tháng. Bên cạnh đó, điểm a, b khoản 2 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Mà theo quy định trên, sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng mới thì hợp đồng sẽ tự chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Chủ quán có phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên

Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Tuy nhiên, luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đang đi theo bộ luật lao động năm 2012 về loại hợp đồng. Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:

Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Hiện tại, theo quy định tại hợp đồng lao động năm 2019, hợp đồng lao động sẽ chỉ còn hai loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Điều 20. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ đã chuyển thành hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vậy nên, quy định về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hiểu như sau:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

Như vậy, chủ quán không buộc phải ký hợp đồng lao động cũng như đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên nếu thời gian làm việc thỏa thuận chỉ là dưới 01 tháng.

Was this helpful?

0 / 0