Khách du lịch là người vào Việt Nam với mục đích du lịch, được cấp visa du lịch với ký hiệu DL và thời hạn visa không quá 03 tháng. Ngoài ra, khách đến từ một số quốc gia sẽ được miễn visa theo hiệp định giữa các bên. Mặc dù được miễn visa nhưng khách du lịch khi đến Việt Nam nếu muốn tham gia giao thông vẫn cần có bằng lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp?

Tương tự như Việt Nam, mỗi quốc gia sẽ có hệ thống giấy phép riêng cho người dân. Các loại giấy phép do một quốc gia cấp thường chỉ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.

Như vậy, Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp có thể hiểu là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cho phép người đó sử dụng phương tiện giao thông để tham gia giao thông. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam chưa cho phép về vấn đề đó. Vậy nên, khi người nước ngoài sang Việt Nam và muốn sử dụng phương tiện giao thông để tham gia giao thông sẽ phải có Giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Hồ sơ chuyển đổi giấy phép lái xe cho khách du lịch

Điều 42 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung bởi khoản 24 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT như sau:

Điều 42. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài cấp cho khách du lịch nước ngoài lái xe vào Việt Nam
1. Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Đại sứ quán, Lãnh sự quán của quốc gia cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam xác minh;
c) Bản sao có chứng thực danh sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an hoặc bản sao hộ chiếu gồm phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam;
d) 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền ảnh màu xanh, kiểu chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
Khi đến nhận giấy phép lái xe, người lái xe xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
2. Cơ quan quản lý cấp giấy phép lái xe phải ghi vào hồ sơ quản lý là giấy phép lái xe đổi 01 (một) lần.

Như vậy, hồ sơ chuyển đổi giấy phép lái xe cho khách du lịch vào Việt Nam bao gồm:
– Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
– Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe.
– Bản sao có chứng thực danh sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an hoặc bản sao hộ chiếu trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
– 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền xanh.

Trình tự, thủ tục chuyển đổi giấy phép lái xe cho khách du lịch

Trình tự chuyển đổi giấy phép lái xe cho khách du lịch như sau:
– Bước 1: Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ gửi tới Sở Giao thông vận tải theo 02 cách:
+ Nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải.
+ Gửi đến Sở Giao thông vận tải qua đường bưu điện.
– Bước 2: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Sở Giao thông vận tải xem xét và cấp giấy phép lái xe cho khách du lịch.

Phí chuyển đổi giấy phép lái xe cho khách du lịch

Phí chuyển đổi Giấy phép lái xe cho khách du lịch thực hiện theo Thông tư 188/2016/TT-BTC; mức phí chuyển đổi Giấy phép lái xe cho khách du lịch là 135.000 đồng/lần.

Thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe cho khách du lịch là bao lâu?

Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe cấp cho khách du lịch theo phương thức chuyển đổi giấy phép lái xe sẽ có thời hạn không quá thời hạn thị thực. Hay nói cách khác, thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe sẽ không quá thời gian khách du lịch được ở tại Việt Nam.

Khách du lịch có thể thi lấy giấy phép lái xe tại Việt Nam không?

Khách du lịch không thể thi lấy giấy phép lái xe tại Việt Nam do điều kiện đối với người học lái xe để có thể thi giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam. Như vậy, khách du lịch không nằm trong đối tượng có thể học để thi lấy giấy phép tại Việt Nam.

Was this helpful?

0 / 0