Tôi đang làm nhân viên ở một công ty sản xuất. Mấy hôm trước tôi có sai phạm trong công việc gây thiệt hại về sản phẩm, nên công ty đang xem xét việc xử lý kỷ luật.
Hiện tôi vẫn đi làm như bình thường, chờ công ty họp đưa ra hình thức xử lý. Xin hỏi trong thời gian này tôi có được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?

Xử lý kỷ luật lao động là gì?

Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

Điều 117. Kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Theo đó, kỷ luật lao động có thể hiểu là quy định của pháp luật về lao động và nội quy lao động mà người lao động cần tuân thủ khi tham gia vào quan hệ lao động. Việc xử lý kỷ luật lao động là việc người sử dụng lao động có hình thức xử lý người lao động về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của công ty. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động tại Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức và sa thải.

Các trường hợp bị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội

Điều 29 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTB&XH quy định như sau:

Điều 29. Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội
1. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 16 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
2. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, nếu người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội.

Như vậy, các trường hợp bị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
– Người lao động bị tạm giam.
– Người lao động bị tạm đình chỉ công việc. Khi hết thời hạn tạm đình chỉ, người lao động được trả đủ lượng sẽ được đóng đủ bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Bên cạnh đó, Điều 128 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 128. Tạm đình chỉ công việc
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Việc tạm đình chỉ công việc phát sinh do yêu cầu việc xác minh vụ việc vi phạm. Trong khoảng thời gian tạm đình chỉ công việc, vẫn chưa xác định được người lao động có vi phạm kỷ luật lao động hay không?
– Nếu người lao động thực sự có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, người lao động có thể chấm dứt hợp đồng với người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, nghĩa vụ với người lao động về bảo hiểm xã hội cũng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bị xử lý kỷ luật lao động.
– Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật, người sử dụng lao động vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Có được đóng bảo hiểm xã hội khi chờ xử lý kỷ luật

Như vậy, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội chỉ phát sinh khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc. Việc tạm đình chỉ công việc chỉ được tiến hành khi người sử dụng lao động xét thấy việc tiếp tục cho người lao động đi làm sẽ gây khó khăn trong việc xác minh hành vi vi phạm và chứng minh lỗi của người lao động. Vậy nên, trường hợp người lao động không bị tạm đình chỉ công việc, người lao động vẫn được đóng bảo hiểm xã hội kể cả trong thời gian chờ xử lý kỷ luật.

Was this helpful?

0 / 0