Ly hôn là gì?

Ly hôn theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, việc ly hôn bắt buộc phải được thể hiện qua bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, trường hợp hai vợ chồng chia tài sản, không còn sống chưa nhưng vẫn còn là vợ chồng trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì không được coi là đã ly hôn mà được coi là ly thân. Tài sản hai người làm ra trong quá trình ly thân vẫn được coi là tài sản chung trừ khi hai người đã có sự phân định rõ ràng.

Trình tự, thủ tục ly hôn tại Tòa án

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về ly hôn; thủ tục ly hôn tại Việt Nam trải qua 3 bước:
– Hòa giải tại cơ sở.
– Hòa giải tại tòa án.
– Làm thủ tục ly hôn tại Tòa.

Có được ủy quyền cho người khác ra tòa ly hôn không?

Hòa giải tại cơ sở

Trong đó, thủ tục hòa giải ở cơ sở không bắt buộc mà chỉ mang tính chất khuyến khích. Hay nói cách khác, nếu hai vợ chồng không muốn hòa giải; hai người có thể bỏ qua thủ tục hòa giải tại cơ sở.

Việc hòa giải tại cơ sở được thiết lập nhằm hàn gắn quan hệ vợ chồng. Bởi việc hòa giải tại cơ sở có thể diễn ra tại tổ dân phố, thôn hoặc xã, phường, thị trấn. Đây là những cơ quan tiếp xúc trực tiếp với vợ chồng trong đời sống hằng ngày. Như vậy, họ có thể hiểu nguyên nhân việc ly hôn và đưa ra hướng hòa giải hợp lý, dựa trên yếu tố tình cảm hơn là mang nặng yếu tố pháp luật như hòa giải tại Tòa.

Hòa giải tại tòa án

Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, thủ tục hòa giải sẽ diễn ra theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Thủ tục hòa giải tại Tòa án sẽ do thẩm phán tiến hành. Theo quy định tại khoản 11 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; nghĩa vụ của đương sự là tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

Như vậy, trường hợp hòa giải tại Tòa án, không thể ủy quyền cho người khác ra Tòa thay.

Làm thủ tục ly hôn tại Tòa

Khoản 15 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của đương sự là tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của luật này. Sự có mặt của đương sự tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Theo quy định trên, tại phiên tòa; đương sự có thể tự mình tham gia hoặc ủy quyền cho người đại diện thay mình tham gia. Trong Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 khi nhắc về sự có mặt của đương sự sử dụng cụm từ “đương sự hoặc người đại diện của đương sự” chứ không dùng cụm từ “đương sự và người đại diện của đương sự”. Như vậy, tại phiên tòa giải quyết ly hôn; vợ, chồng có thể ủy quyền cho người khác ra tòa ly hôn.

Việc không trực tiếp đến phiên tòa giải quyết ly hôn có gây ảnh hưởng đến việc giải quyết ly hôn của hai vợ chồng không?

Việc không trực tiếp đến phiên tòa giải quyết ly hôn không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết ly hôn nếu bên vắng mặt vẫn có người đại diện tham gia xét xử.
Trường hợp bên vắng mặt không có người đại diện tham gia xét xử hoặc người đại diện cũng vắng mặt; tòa án sẽ hoãn phiên tòa một lần. Tới lần thứ hai, nếu không thuộc những trường hợp đặc biệt, Tòa án sẽ tiến hành xét xử theo quy định; quyền và lợi ích hợp pháp của người vắng mặt sẽ không được bảo đảm nữa vì nếu vắng mặt sẽ coi như từ bỏ mọi đề nghị của mình trước đó.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lại phiên tòa sẽ tốn thời gian và chi phí. Vậy nên, trường hợp không thể trực tiếp đến phiên tòa; bên không thể đến cần có người đại diện thay mình tham gia xét xử.

Was this helpful?

0 / 0