Việc thay đổi công việc mới phù hợp với bản thân diễn ra khá nhiều từ sau khi dịch bệnh Covid bởi:
Thứ nhất, thời gian dịch bệnh giới hạn việc đi làm trực tiếp tại công ty. Thay vào đó, nhiều công ty chọn giải pháp làm việc tại nhà. Việc làm việc tại nhà khiến người lao động có nhiều thời gian rảnh hơn; giảm thiểu thời gian di chuyển. Chính vì vậy, nhiều người chọn thử sức với một số công việc khác. Việc thành công với những công việc khác dẫn đến làn sóng nghỉ việc sau Covid.
Thứ hai, nhiều công ty vì ảnh hưởng từ dịch bệnh dẫn đến cắt giảm nhân sự; giảm chi phí sử dụng vào quỹ lương của người lao động. Dịch bệnh Covid vào thời điểm bùng phát đưa nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt nhân công; doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể trụ vững do không có doanh thu; phải đóng cửa giãn cách gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Tình trạng mất việc gia tăng do không phải ngành nghề nào cũng có thể làm trực tuyến. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp; bị cắt giảm lương.
Thứ ba, ảnh hưởng từ làn sóng “bỏ phố về quê”, “khởi nghiệp” từ Tiktok. Không thể phủ nhận, thời gian giãn cách bởi dịch bệnh Covid thay đổi rất nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Bắt đầu từ việc nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự; chi phí sinh hoạt không đủ do thời gian giãn cách kéo dài; không đủ tiền trang trải cuộc sống trên thành phố; dịch bệnh bùng phát khiến những nơi đông dân cư như thành phố có khả năng lây nhiễm cao hơn. Nhiều người đã lựa chọn rời bỏ thành phố, về lại quê hương. Có thể thấy ngay trong thời điểm phải giãn cách vì dịch bệnh; đoàn người đổ về quê từ các thành phố lớn đã trở thành một phần ký ức thời kỳ giãn cách. Cùng với sự nổi tiếng của Tiktok, nhiều người tận dụng lợi thế của quê hương mình; chăm chú vào phát triển nông sản, khai thác du lịch. Từ đó, rẽ sang hướng đi mới và gặt hái được nhiều thành công.
Thứ tư, dịch bệnh ảnh hưởng đến cách sống của nhiều người. Sau dịch bệnh, nhiều người chọn cách sống tối giản hơn; ít quan tâm đến lời nói xung quanh hơn mà tập trung và cảm giác của bản thân. Thay vì cách sống mang hơi hướng phô trương cho bằng bạn bằng bè như trước; nhiều người chọn cách sống đủ, chỉ chi tiêu nếu thực sự cần. Vậy nên, nhiều người cũng không cần mức lương quá cao mà tập trung vào trải nghiệm bản thân.
Thứ năm, quan niệm về công việc của giới trẻ thay đổi. Có thể thấy, giới trẻ hiện tại không còn quá quan trọng hóa vấn đề nghỉ việc. Nếu trước đó, chỉ khi bị chèn ép đến mức không thể chịu đựng được; bị sa thải; người lao động mới nghĩ đến vấn đề nghỉ việc; thì bây giờ, lý do nghỉ việc rất đơn giản: do cảm thấy không còn phù hợp với công ty; cảm thấy công ty không xem trọng năng lực bản thân; hay chỉ đơn giản là một buổi sáng thức dậy, bản thân không muốn đi làm nữa.
Thứ sáu, quan niệm tuyển dụng của các công ty thay đổi. Hiện nay, quan điểm tuyển dụng của nhiều nhà tuyển dụng là người lao động và người sử dụng lao động có vị trí ngang nhau trong quan hệ lao động. Một bên bán sức lao động, một bên mua và sử dụng sức lao động đó. Chính vì vậy, nhiều người không còn ngần ngại với việc nhảy việc.

Ưu điểm và nhược điểm khi nhảy việc liên tục khi mới ra trường

Cùng với việc mọi người có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với việc nhảy việc; việc nhảy việc liên tục trở nên bình thường với nhiều người. Đặc biệt là đối tượng sinh viên mới ra trường. Việc nhảy việc liên tục mang lại nhiều ưu điểm nhưng cũng tồn tại các nhược điểm. Cụ thể:

Về ưu điểm:
– Việc thay đổi nhiều môi trường làm việc rèn luyện khả năng thích ứng nhanh với một môi trường mới.
– Thay đổi môi trường giúp nhiều người thoát ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân.
– Việc thử sức với nhiều vị trí giúp chúng ta tìm ra ngành nghề thực sự phù hợp với mình.
– Nhảy việc nhiều giúp chúng ta có kinh nghiệm trong việc phỏng vấn; sàng lọc công ty.

Về nhược điểm:
– Thay đổi môi trường làm việc nhiều khiến chúng ta không thực sự có một kỹ năng hay kinh nghiệm nhất định trong các vị trí. Thông thường, một nhân viên phải làm ít nhất 06 tháng mới có thể nắm rõ quy trình làm việc của một công ty. Như vậy, việc nhảy việc nhiều trong thời gian ngắn khiến chúng ta không thực sự hiểu hết về công việc của mình.
– Các nhà tuyển dụng sẽ không ưu tiên lựa chọn hồ sơ của bạn. Mặc dù quan điểm hiện tại không còn quá coi trọng việc nghỉ việc. Nhưng cũng không nhà tuyển dụng nào muốn tốn kém thêm chi phí để tuyển dụng một người sẽ không gắn bó với công ty.
– Trong mắt các nhà tuyển dụng; bằng đại học thường có hiệu lực tối đa 02 năm. Sau 02 năm; cái nhà tuyển dụng nhìn vào để đánh giá sẽ là năng lực, kinh nghiệm làm việc, khả năng xử lý và giải quyết vấn đề. Vậy nên, nếu sau 02 năm kể từ ngày ra trường; CV của bạn chẳng có gì ngoài danh sách dài những công ty bạn chỉ làm trong 2 – 3 tháng; không kinh nghiệm cứng; không xử lý được vấn đề; thì việc tìm một công việc tốt sẽ khó hơn so với thời điểm mới ra trường.
– Trong trường hợp sau khi nhảy quá nhiều việc; bạn vẫn không tìm được công việc phù hợp với bản thân; nhiều khả năng bạn sẽ phải ứng tuyển những công việc không yêu cầu kinh nghiệm với mức lương thấp và hoàn toàn không đúng với đam mê của bạn.
– Cuối cùng, áp lực đồng trang lứa sẽ đè nặng lên bạn còn hơn cả khi mới ra trường. Bởi, khi ra trường, chúng ta có cùng một xuất phát điểm. Nhưng sau 02 năm; có người có thể đã lên team leader; có người thậm chí đã trở thành quản lý. Người không lựa chọn theo hướng đi làm cho doanh nghiệp giờ có thể đang rất thành công với công việc freelancer của mình. Chỉ có bạn vẫn tiếp tục quanh quẩn với vòng xoáy nghỉ việc, ứng tuyển vị trí thấp, ít áp lực như thực tập sinh, nhân viên.

Có nên nhảy việc liên tục khi mới ra trường

Việc nhảy việc không hẳn là xấu nhưng việc nhảy việc bừa bãi, lung tung ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn sau này. Vậy nên, để có thể đảm bảo tìm được công việc phù hợp trước khi tấm bằng đại học hết hiệu lực. Chúng ta đặt ra những vấn đề sau:

1. Bắt đầu đi làm từ thời điểm còn học năm 2 đại học

Đối với mỗi trường đại học, mỗi ngành nghề đều có đặc điểm riêng. Vậy nên, không phải mọi ngành nghề đều thuận lợi cho việc đi làm từ khi còn đang đi học của sinh viên. Bên cạnh đó, để đảm bảo công việc học tập, sinh viên chỉ có thể đi làm part-time hoặc làm lúc rảnh. Chính vì vậy, nhiều công ty sẽ không ưu tiên tuyển sinh viên còn đang đi học.

Tuy nhiên, sinh viên vẫn có thể làm những công việc không liên quan đến ngành nghề của mình như bán hàng; tiếp thị sản phẩm;… Những công việc này không tạo ra kinh nghiệm cho ngành nghề chúng ta sẽ theo sau này nhưng sẽ góp phần xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên; khả năng ứng xử với các tình huống mới. Và nhà tuyển dụng đánh giá cao những kinh nghiệm này.

2. Đặt ra thời hạn làm việc tối thiểu đối với mỗi công ty

Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá nhân viên phải làm tại một công ty tối đa 06 tháng mới có thể được coi là có kinh nghiệm và bắt đầu tạo ra giá trị cho công ty. Những trường hợp dưới 06 tháng đa phần đều là đang học việc. Chính vì vậy, với mỗi công ty; sinh viên nên để thời hạn làm việc từ 03 – 06 tháng.

3. Trước khi nghỉ việc, làm một bảng danh sách ưu điểm và nhược điểm khi nghỉ việc

Nghỉ việc không phải là việc bạn thoát khỏi một môi trường cũ để bắt đầu cuộc sống tốt hơn tại môi trường mới. Công việc mới đôi khi sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của bạn. Chính vì vậy, trước khi nghỉ việc, bạn hãy lập một danh sách ưu điểm và nhược điểm khi nghỉ việc. Sau đó mới đưa ra quyết định có nên nghỉ việc hay không.

4. Đặt ra giới hạn cho giai đoạn nhảy việc của mình

Việc nhảy việc liên tục có thể khiến nhiều bạn quên đi mục tiêu ban đầu của mình; lâu dần, việc nhảy việc chỉ đơn giản là đến môi trường có mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, hiệu lực tấm bằng tốt nghiệp trong mắt các nhà tuyển dụng là 02 năm. Chính vì vậy, bạn phải đặt ra giới hạn cho giai đoạn nhảy việc của mình. Giai đoạn nhảy việc sẽ kéo dài đến khi nào? Sau giai đoạn đó, mình sẽ đạt được công việc nào, vị trí nào, công ty nào? Mình có thể có thêm những kỹ năng gì sau khi qua giai đoạn nhảy việc?

5. Nếu sau khi ra trường vẫn cảm thấy chưa tìm được công việc phù hợp, đừng ngần ngại để gap year 1 năm

Việc gap year 1 năm thường đi kèm với nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè. Nhưng đôi khi, việc dành thời gian để suy nghĩ về công việc và cuộc sống sẽ tạo nên động lực cho chặng đường tiếp theo.

6. Ở mỗi môi trường, hãy lấy sếp của mình làm mục tiêu cố gắng

Mục tiêu cố gắng ở đây không phải là lấy sếp làm mục tiêu để cầu cạnh, nịnh bợ. Việc lấy sếp làm mục tiêu cố gắng là việc lấy mức lương và độ tuổi hiện tại của sếp để đưa ra mục tiêu của bản thân sau này. Và bản thân phải làm như thế nào để tại độ tuổi đó có thể có được mức lương đó.

Was this helpful?

0 / 0