Góp vốn theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Tuy nhiên, góp vốn trên thực tế có thể được hiểu theo nghĩa đơn giản hơn, một nhóm người hợp tác kinh doanh cùng nhau làm ăn cũng có thể sử dụng từ góp vốn. Vậy nên, việc góp vốn có thể hiểu sẽ ứng với 02 loại hợp đồng sau: hợp đồng góp vốn (sử dụng khi góp vốn thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập) và hợp đồng hợp tác kinh doanh (sử dụng khi góp vốn kinh doanh chung, không thành lập một tổ chức kinh tế, doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh).

Như vậy, có thể hiểu, tiền góp vốn có thể được thể hiện thông qua 02 loại hợp đồng: hợp đồng góp vốn (khi góp vốn vào một tổ chức để thực hiện hoạt động kinh doanh), hợp đồng hợp tác kinh doanh (khi chỉ góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh, không kéo theo việc thành lập một tổ chức để thực hiện hoạt động kinh doanh).

Có thể đòi lại tiền góp vốn không?

Trường hợp góp vốn bằng hợp đồng góp vốn

Việc góp vốn bằng hợp đồng góp vốn sẽ phát sinh tại các loại hình công ty: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Đây là những công ty có tư cách pháp nhân, vì vậy phải có tài sản riêng. Để thực hiện việc góp vốn vào công ty, tài sản góp vốn sẽ được chuyển quyền sở hữu cho công ty hoặc có biên bản giao nhận tài sản với những tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Việc góp vốn vào các loại hình này sẽ được thể hiện bằng hợp đồng góp vốn.

Để đòi lại tiền góp vốn đã góp vào công ty, cá nhân có thể thực hiện 02 cách:
– Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, số cổ phần.
– Chuyển nhượng phần vốn góp, số cổ phần cho các thành viên, cổ đông khác.

Đòi lại tiền góp vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, số cổ phần

Điều 51 và Điều 132 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 51. Mua lại phần vốn góp
1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
2. Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
4. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.

Điều 132. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Như vậy, việc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, số cổ phần chỉ được thực hiện khi thành viên, cổ đông đó bỏ phiếu không tán thành với nghị quyết, quyết định của công ty về việc tổ chức lại, thay đổi quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông. Việc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, số cổ phần phải thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của thành viên, cổ đông.

Đòi lại tiền góp vốn bằng cách chuyển nhượng phần vốn góp, số cổ phần cho các thành viên, cổ đông khác

Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp, số cổ phần; thành viên, cổ đông có thể chuyển nhượng cho các thành viên, cổ đông khác.

Như vậy, trường hợp góp vốn bằng hợp đồng góp vốn vào công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, việc đòi lại tiền góp vốn phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp góp vốn bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh

Trường hợp góp vốn bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể hiểu là một nhóm người cùng góp tiền để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Do việc hợp tác kinh doanh không cần phải thành lập thêm một tổ chức để thực hiện việc kinh doanh nên cũng không phát sinh việc chuyển tiền cho một tổ chức cụ thể. Việc góp vốn hợp tác kinh doanh có thể do một người trong nhóm giữ tiền hoặc cả nhóm chi và thông nhất lại sau. Vậy nên việc đòi lại tiền góp vốn khi hợp tác kinh doanh sẽ có sự khác biệt.

Đòi lại tiền góp vốn trong hợp đồng hợp tác kinh doanh như thế nào?

Việc đói lại tiền góp vốn trong hợp đồng hợp tác được thực hiện trong 02 trường hợp sau: Rút khỏi hợp đồng hợp tác và chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác là việc một hoặc nhiều người rút vốn khỏi việc hợp tác, không tiếp tục hợp tác kinh doanh nữa nhưng việc hợp tác kinh doanh giữa những người khác vẫn tiếp tục. Còn chấm dứt hợp đồng hợp tác là việc chấm dứt hoạt động hợp tác kinh doanh. Việc rút khỏi và chấm dứt hợp đồng hợp tác được quy định như sau:

Điều 510. Rút khỏi hợp đồng hợp tác
1. Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:
a) Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác;
b) Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.
2. Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.
Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.
3. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều này thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Điều 512. Chấm dứt hợp đồng hợp tác
1. Hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác;
b) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;
c) Mục đích hợp tác đã đạt được;
d) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
2. Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo quy định tại Điều 509 của Bộ luật này.
Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Việc rút khỏi hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác đều phải kèm theo điều kiện được sự đồng ý của các thành viên hợp tác khác. Vậy nên, việc đòi lại tiền góp vốn sẽ được thực hiện sau khi có được sự đồng ý của các thành viên. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng đã quy định đối với những tài sản hiện vật không thể chia do ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sẽ được quy ra tiền để trả lại.

Xử lý khi không đòi lại được tiền góp vốn

Để đảm bảo quyền lợi khi rút vốn hợp tác hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác, việc rút vốn nên được lập thành văn bản, trong đó quy định rõ thời hạn trả lại phần vốn góp. Văn bản về việc rút vốn phải được công chứng để đảm bảo tính pháp lý khi đem ra làm căn cứ khởi kiện kiện đòi tài sản.

Trường hợp không đòi lại được tiền góp vốn, cá nhân có thể khởi kiện ra tòa đòi lại tài sản góp vốn kèm theo lãi suất cho những ngày chậm trả tiền.

Was this helpful?

0 / 0