Tạm giữ là gì?

Tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được hiểu là việc cảnh sát giao thông thu giữ phương tiện vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày. Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được sử dụng trong các trường hợp sau:
–  Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.
– Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
– Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Thủ tục tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính

Việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
– Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm hành chính theo quy định (Biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật bị tạm giữ và phải có chữ ký của người thực hiện việc tạm giữ, người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm; trường hợp không có chữ ký của người vi phạm thì phải có chữ ký của ít nhất 01 người chứng kiến).
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.
– Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tiếp nhận phương tiện vi phạm hành chính; giao cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản. Người quản lý, bảo quản tiến hành các hoạt động kiểm tra sau:
+ Kiểm tra quyết định tạm giữ, tịch thu, biên bản tạm giữ, tịch thu và những giấy tờ khác có liên quan.
+ So sánh, đối chiếu tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ với biên bản tạm giữ, tịch thu và bản thống kê về tên hàng hóa, số lượng, chất lượng, khối lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ; tình trạng niêm phong (nếu có).
+ Vào sổ theo dõi và yêu cầu bên giao ký vào sổ.
– Người ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính; người có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện hành chính bị tạm giữ cho đến khi người vi phạm nộp tiền phạt hoặc hết thời hạn tạm giữ 07 ngày.

Quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ

Việc quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ sẽ được thực hiện theo 03 cách:
– Bảo quản xe bị tạm giữ tại cơ quan công an.
– Giao cho cá nhân vi phạm tự giữ và bảo quản.

Trong đó, việc bảo quản xe bị tạm giữ tại cơ quan công an yêu cầu phải được bảo quản cách biệt với phương tiện khác; với nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt để đảm bảo phòng chống cháy, nổ. Bên cạnh đó, việc bảo quản xe tại cơ quan công an đảm bảo đủ các điều kiện để sẵn sàng chữa cháy.

Thủ tục trả lại phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ

Thủ tục trả lại phương tiện vi phạm hành chính đảm bảo thực hiện theo trình tự sau:
– Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ ra quyết định trả lại phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.
– Khi đã có quyết định trả lại phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; người có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thực hiện:
+ Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận. Trường hợp người đến nhận không phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu; yêu cầu thêm văn bản ủy quyền.
+ Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý.
+ Lập biên bản về việc trả lại phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.
– Người có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ báo cáo với người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ về việc trả lại phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của CSGT với xe bị tạm giữ

Điều 9. Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ
1. Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý, bảo quản.
2. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
4. Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh với người ra quyết định tạm giữ. Theo đó, CSGT có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xe sau khi bị tạm giữ bị mất; bị bán trái quy định; bị đánh tráo; bị hư hỏng; bị mất linh kiện; bị thay thế. Tất nhiên; trách nhiệm bồi thường phát sinh trên cơ sở đối chiếu với tình trạng của phương tiện tại thời điểm bị tạm giữ. Hay nói cách khác, CSGT có trách nhiệm bảo quản phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ; trường hợp phương tiện vi phạm giao thông bị thiệt hại, CSGT có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại này.

Có thể giao phương tiện vi phạm giao thông cho cá nhân vi phạm tự bảo quản khi nào?

Phương tiện vi phạm giao thông được giao cho cá nhân vi phạm tự bảo quản khi cá nhân vi phạm đáp ứng được các điều kiện sau:
– Cá nhân vi phạm có nơi thường trú hoặc có nơi tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.
– Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Trình tự giải quyết việc giao phương tiện vi phạm giao thông cho cá nhân vi phạm tự bảo quản?

– Cá nhân vi phạm làm đơn gửi người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện vi phạm giao thông kèm theo bản sao có chứng thực CMND/CCCD/giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác.
– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn; người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.
– Khi giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, người có thẩm quyền tạm giữ phải lập biên bản ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ; thời hạn tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
– Người có thẩm quyền tạm giữ sau khi giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính phải tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe của phương tiện bị tạm giữ. Việc tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện phải được lập thành biên bản. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Was this helpful?

0 / 0