Hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương là gì?

Hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương được quy định tại Điều 19 Nghị định 40/2018/NĐ-CP như sau:

Điều 19. Hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
2. Doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương.
3. Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.

Như vậy, hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương có thể hiểu là hoạt động của doanh nghiệp khi:
– Doanh nghiệp đó đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
– Doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương.
– Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.

Có thể thấy, chỉ cần một doanh nghiệp hoặc một người của doanh nghiệp thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp đó phải đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với địa phương đó.

Điều kiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Có thể thấy, để có thể thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp; doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
– Đã thực hiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Trong đó, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Bộ Công thương trước; sau đó mới thực hiện được thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương được quy định tại Điều 21 Nghị định 40/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15, 16, 40 Nghị định 18/2023/NĐ-CP như sau:

Điều 21. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương bao gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
c) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
d) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (nếu có).
Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương, doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ liên quan đến đầu mối tại địa phương, bao gồm: 01 bản sao được chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; 01 bản chính hoặc bản sao có chứng thực Phiếu lý lịch tư pháp; 01 bản sao chứng thực xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương; 01 văn bản chỉ định quy định rõ phạm vi công việc, quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương kèm theo danh sách người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương đến thời điểm nộp hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp đã có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực (danh sách ghi rõ: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số người tham gia, điện thoại liên hệ của người tham gia bán hàng đa cấp) tới Sở Công Thương nơi doanh nghiệp dự kiến hoạt động (nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính).
3. Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương thông báo cho doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương ban hành thông báo. Sở Công Thương trả lại hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn nêu trên.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Công Thương gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối xác nhận, Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối xác nhận, Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, Sở Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và gửi bản sao văn bản xác nhận tới Bộ Công Thương bằng một trong các cách thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này.

Như vậy, hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo mẫu tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
– 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
– Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương: 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.
– Trường hợp doanh nghiệp không có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương mà có đầu mối tại địa phương:
+ 01 bản sao chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu.
+ 01 bản chính/bản sao có chứng thực Phiếu lý lịch tư pháp.
+ 01 bản sao chứng thực xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương.
+ 01 văn bản chỉ định quy định rõ phạm vi công việc, quyền và nghĩa vụ của các bên.
– Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương đến thời điểm nộp hồ sơ nếu doanh nghiệp đã có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trước thời điểm Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 02/05/2018).

Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

– Bước 1: Doanh nghiệp 01 bộ hồ sơ trên tới Sở Công thương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp.
– Bước 2: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ; nếu hồ sơ không đầy đủ và không hợp lệ; Sở Công thương thông báo cho doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
– Bước 3: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công thương ban hành thông báo; doanh nghiệp tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
– Bước 4: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; Sở Công Thương gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Trường hợp bị từ chối, Sở Công thương trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
– Bước 5: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; Sở Công Thương công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và gửi bản sao văn bản xác nhận tới Bộ Công Thương.

Lệ phí đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Lệ phí đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương không được quy định trong thông tư của Bộ Tài chính về việc phải nộp phí và lệ phí. Trên trang thông tin địa tử Sở Công thương tỉnh Ninh Bình, lệ phí đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương là 0 đồng.

Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương
Văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương có thời hạn không?

Văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương không có thời hạn; hiệu lực của văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương chỉ có chấm dứt hiệu lực khi doanh nghiệp tự chấm dứt hoặc văn bản bị thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Có thể ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương không?

Luật không cấm việc ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Bên cạnh việc nộp trực tiếp, doanh nghiệp có thể nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trên cổng dịch vụ công.

Was this helpful?

0 / 0