Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài quy định tại Điều 19 Luật khám chữa bệnh năm 2009 bao gồm các điều kiện sau:
– Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; giấy chứng nhận là lương y; giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
– Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh là tiếng Việt hoặc có người phiên dịch.
– Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.
– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài quy định tại Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Bản sao chứng thực văn bằng chuyên môn y.
– Giấy xác nhận quá trình thực hành.
+ Trường hợp thực hành tại Việt Nam: theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
+ Trường hợp thực hành tại nước ngoài: đảm bảo giấy có đủ các nội dung họ và tên người thực hành; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ cư trú; số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); văn bằng chuyên môn; năm tốt nghiệp; nơi thực hành; thời gian thực hành; nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.
– Bản sao chứng thực giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.
– Bản sao chứng thực một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người đăng ký sử dụng tiếng Việt.
+ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch đối với người sử dụng phiên dịch, kèm theo hợp đồng lao động của người phiên dịch.
– Giấy khám sức khỏe.
– Lý lịch tư pháp đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
– Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng (ghi vào mặt sau họ tên và ngày, tháng, năm sinh).
Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài
– Bước 1: Người đề nghị cấp chứng chỉ nộp 01 bộ hồ sơ tới Bộ Y tế. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, viết Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả lại cho người nộp hồ sơ 01 bản.
– Bước 2: Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ; cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.
– Bước 3: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề. Trường hợp không được cấp sẽ có thông báo cụ thể trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ Y tế.
Thời hạn xử lý hồ sơ: 02 tháng.
Phí cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài
Thông tư 278/2016/TT-BTC không quy định mức phí cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh lần đầu cho người nước ngoài. Vậy nên việc đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh lần đầu không mất phí.
Người nước ngoài khi đến hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải có giấy chứng nhận biết tiếng Việt hoặc cần có người phiên dịch do việc người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; cơ quan Nhà nước tại Việt Nam không thể kiểm soát được liệu người đó có thực sự chỉ khám cho người nước ngoài tại Việt Nam hay không. Về mặt nguyên tắc, khi hành nghề tại Việt Nam bắt buộc phải biết tiếng Việt hoặc có người phiên dịch.
Người Việt Nam khi hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam không yêu cầu phải biết thêm một thứ tiếng khác.
Was this helpful?
0 / 0