Tình trạng hè phố bị chiếm dụng bất hợp pháp cho mục đích kinh doanh của người dân đã không còn xa lạ tại Hà Nội. Tuy nhiên, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ; nếu cứ để người dân chiếm dụng với lý do đó là sinh kế của người dân cũng không phù hợp do vỉa hè không còn; người đi bộ sẽ phải đi xuống lòng đường. Và lòng đường được quy định dành cho người sử dụng phương tiện giao thông khi tham gia giao thông. Bên cạnh việc trái với quy định của pháp luật còn tiềm tàng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, từ tháng 3/2023; thành phố Hà Nội đang rất quyết liệt trong việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ; ngăn chặn tối đa việc xâm lấn vỉa hè.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận nội thành vừa tổng hợp rà soát báo cáo những tuyến phố có đủ điều kiện đặc thù (chiều rộng và hiện trạng vỉa hè) được phép sử dụng tạm thời hè phố vào việc kinh doanh buôn bán hàng hoá. Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m, bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố; không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở…
Hiện nay, có 3 quận nội thành đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh gồm: Quận Tây Hồ đưa ra phương án sử dụng hè phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu. Quận Hai Bà Trưng, đề xuất cho các tuyến phố Đại Cồ Việt -Trần Khát Chân, Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm, Trần Xuân Soạn. Quận Đống Đa đề xuất sử dụng hè phố Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng.
Tại quận Tây Hồ, UBND phường Nhật Tân đã có đề xuất UBND quận Tây Hồ cho phép thí điểm thuê vỉa hè để kinh doanh trên 2 tuyến phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu. Với phố Trịnh Công Sơn, một nửa bên công viên sẽ là nơi đi dạo của người dân (do không có nhà dân), nửa đối diện là nơi buôn bán kinh doanh.
Hai tuyến phố Trịnh Công Sơn và Vũ Tuấn Chiêu thuộc không gian văn hoá nghệ thuật – ẩm thực. Trước đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã 2 lần phải dừng hoạt động vì vắng khách. Một người dân ở gần đó cho biết, việc đề xuất phương án sử dụng vỉa hè cho hoạt động kinh doanh là rất cần thiết vì có thể sẽ khôi phục lại được tuyến phố đi bộ, thu hút thêm du khách đến đây. Việc này cũng sẽ giúp các hộ gia đình khu vực này cải thiện cuộc sống, bởi đa số người dân sống nhờ vỉa hè.
Tại quận Hai Bà Trưng, những tuyến phố được đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh, có vỉa hè rộng chừng 4m, vạch kẻ giới hạn rõ ràng, rất thông thoáng cho người đi bộ cũng như kinh doanh buôn bán hàng hoá.
Tuyến phố Lò Đúc có vỉa hè rộng khoảng 4m, có đoạn rộng khoảng 6m. Khu vực này có nhiều quán ăn thu hút thực khách vào buổi tối. Mật độ dân cư trên phố Lò Đúc rất đông, nhu cầu sử dụng vỉa hè của các hộ kinh doanh ở đây là rất lớn.
Tại quận Đống Đa, UBND quận đã tổng hợp được 10 tuyến phố phù hợp về hạ tầng, điều kiện kinh tế để kinh doanh trên vỉa hè. Trong đó có phố Hoàng Cầu. Hiện UBND quận Đống Đa đang xây dựng đề án cụ thể để thực hiện thí điểm trước một đến 2 tuyến phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội tiến hành giao Sở Xây dựng lập đề án quản lý vỉa hè; đưa vào hình thức cho thuê vỉa hè để đảm bảo vỉa hè cho người đi bộ.
Was this helpful?
0 / 0