Đòi nợ có phải là quyền?
Để xác định đòi nợ có phải là quyền? Và nếu có, quyền đòi nợ là quyền gì, ta cần giải đáp được các câu hỏi sau: Quyền đòi nợ là quyền gì? Quyền đòi nợ có phải là quyền tài sản không? Quyền tài sản là gì?
Thứ nhất, quyền đòi nợ là quyền gì? Quyền đòi nợ có thể hiểu đơn giản là quyền được yêu cầu bên vay nợ trả lại tài sản đã vay của bên cho vay. Quyền đòi nợ là một quyền chính đáng nếu sau khi kết thúc thời hạn cho vay mà người vay nợ vẫn không trả lại tài sản; và cũng không có yêu cầu gia hạn thời gian vay hoặc có yêu cầu gia hạn nhưng người cho vay không đồng ý.
Thứ hai, quyền đòi nợ có phải là quyền tài sản không? Quyền đòi nợ được quy định tại Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 450. Mua bán quyền tài sản
1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.
Như vậy, khoản 2 Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu rõ quyền đòi nợ là quyền tài sản và có thể mua bán.
Thứ ba, quyền tài sản là gì? Quyền tài sản được quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 115. Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Theo quy định trên, quyền tài sản được hiểu là bất kỳ quyền nào đem lại giá trị kinh tế cho con người sẽ được coi là quyền tài sản.
Như vậy, đòi nợ là quyền của con người và quyền đòi nợ là quyền tài sản.
Đòi nợ trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Như đã phân tích ở trên, việc đòi nợ là quyền của người cho vay. Vậy nên, việc đòi nợ trên mạng xã hội không phải là hành vi vi phạm pháp luật nếu người đòi nợ là người cho vay.
Việc đòi nợ trên mạng xã hội chỉ được coi là vi phạm pháp luật khi người cho vay thuê dịch vụ đòi nợ thuê do khoản h Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, việc người đòi nợ ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ vẫn là đúng quy định của pháp luật do quyền đòi nợ là quyền tài sản có thể chuyển giao. Và việc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ là việc ủy quyền cho người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chính vì vậy, đòi nợ trên mạng xã hội không phải là hành vi vi phạm pháp luật trừ trường hợp người thực hiện việc đòi nợ là cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đòi nợ trên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào?
Loại trừ trường hợp người thực hiện việc đòi nợ lá cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc đòi nợ trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt khi:
– Đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay lên mạng xã hội.
– Dùng từ ngữ miệt thị, thóa mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay trên mạng xã hội.
Xử phạt đối với hành vi đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay lên mạng xã hội
Hành vi đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay lên mạng xã hội có thể bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 84. Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay trên mạng xã hội
Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vay trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 99. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
b) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Đòi nợ như thế nào để không vi phạm pháp luật?
Để không vi phạm pháp luật, việc đòi nợ nên được tiến hành như sau:
– Sau khi hết thời hạn vay, người vay không trả; người cho vay có thể gọi điện nhắc người vay về việc trả nợ.
– Sau 03 lần nhắc về việc trả nợ, người vay vẫn không trả; người cho vay tiến hành viết đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú và gửi 01 đơn khởi kiện tới cho người vay để thông báo về việc mình đã khởi kiện.
– Nếu người vay trả, người cho vay rút đơn khởi kiện. Trường hợp người vay vẫn không trả, người cho vay tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và đòi nợ theo quy định của pháp luật.
Was this helpful?
0 / 0