Ông bà nội tôi đã mất gần 20 năm, trước đó có cho cha mẹ tôi mảnh đất và gia đình tôi đang sinh sống tại đây.
Ba tôi đang đứng tên sổ đỏ. Ba mẹ tôi có 4 người con và ba tôi cũng còn một số anh em ruột ở quê.
Ba tôi nay rất già yếu, chưa làm di chúc. Ngộ nhỡ ba qua đời thì nhà đất ông được thừa kế từ ông bà nội sẽ được phân chia như thế nào? Và những người anh em ruột của ba tôi có liên quan gì nữa không?

Mảnh đất hiện thuộc quyền sở hữu của ai?

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

Điều 3. Giải thích từ ngữ
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Hiện nay giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này đang do bố bạn đứng tên. Vậy nên, mảnh đất đó được xác định là tài sản của bố bạn.

Mảnh đất có được xác định là di sản của bố bạn không?

Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 612. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Theo đó, di sản được xác định là tài sản riêng của người chết. Do mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bố bạn nên quyền sử dụng mảnh đất đó được xác định là di sản.

Anh, chị, em ruột của bố bạn có được hưởng thừa kế không?

Trường hợp này, loại trừ khả năng bố bạn viết di chúc, trường hợp bố bạn không để lại di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Anh, chị, em của bố bạn được xác định thuộc hàng thừa kế thứ hai trường hợp anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết. Và theo quy định tại khoản 3 Điều này, những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai nhận thừa kế. Vậy nên, trong trường hợp này, di sản của bố bạn sẽ được chia cho vợ và các bọn, anh chị em ruột của bố bạn không được hưởng thừa kế.

Was this helpful?

0 / 0