Thực tập vừa là một môn học bắt buộc trong chương trình đào của của nhiều trường đại học; vừa là quá trình một sinh viên buộc phải trải qua trước khi bước chân vào thị trường lao động. Chính vì vậy, thực tập luôn là vấn đề khiến nhiều bạn sinh viên đặc biệt quan tâm. Bởi việc thực tập không chỉ có sự khác biệt quá lớn so với việc học mà còn có sự thay đổi về môi trường; con người; kỹ năng;… Vậy làm như thế nào để “hòa nhập” với môi trường mới khi đi thực tập. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau:
Nguyên nhân khiến sinh viên khó hòa nhập khi mới đi thực tập
Về cơ bản, việc một sinh viên khó hòa nhập khi mới đi thực tập thường bắt nguồn từ các lý do chính sau:
Thứ nhất, chưa quen với môi trường mới. Môi trường sư phạm và môi trường đi làm là hai môi trường khác biệt nhau hoàn toàn. Có thể hiểu, đi làm là khi một người phải chịu trách nhiệm với một công việc, phải tự mình hoàn thành một công việc. Công việc này do công ty thuê bạn về làm. Vậy nên, công ty không quan tâm đến quá trình bạn làm ra sao, hướng làm của bạn như thế nào, đúng được bao nhiêu phần trăm; cái một công ty quan tâm sẽ là kết quả cuối cùng bạn đưa lại cho họ. Trong khi đó, khi còn đi học; việc học chỉ mang nặng vấn đề về điểm số, điểm số thấp cũng sẽ không kéo theo nhiều trách nhiệm. Không chỉ vậy, giáo viên đôi khi sẽ nhẹ tay với sinh viên; điểm số cho đôi khi mang tính chất khuyến khích nhiều hơn. Đặc biệt hơn cả; khi còn đi học, nếu hướng làm của bạn đúng mà kết quả sai vẫn có thể có điểm. Chính sự khác nhau quá lớn cùng gánh nặng về trách nhiệm đối với mỗi công việc bạn làm khiến nhiều sinh viên khó hòa nhập vào môi trường mới khi đang thực tập.
Thứ hai, khoảng cách giữa người đã đi làm và người còn đang đi học; khoảng cách thế hệ, tuổi tác. Khi còn đi học, những người xung quanh bạn hầu như xấp xỉ tuổi với bạn. Và cùng trong một môi trường nên việc giao tiếp không xảy ra vấn đề. Nhưng khi đi làm, mỗi người trong công ty có thể có một độ tuổi khác nhau, một chuyên ngành khác nhau. Và vấn đề của sinh viên khi đi thực tập là không thể tìm được điểm chung trong các cuộc nói chuyện với đồng nghiệp.
Thứ ba, cường độ công việc. Mỗi công ty là một guồng máy và mỗi nhân viên sẽ là một chi tiết trong guồng máy đó. Nếu khi còn đi học, việc bạn học như thế nào chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân bạn, không ảnh hưởng đến người khác thì khi đi làm; công việc bạn làm sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác của công ty. Đôi khi chỉ cần chậm vài phút cũng có thể gây ra thiệt hại hoặc gây chậm trễ đến công việc của các bộ phận khác.
Thứ tư, kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm ở đây không chỉ bảo gồm kỹ năng nói tiếng anh, kỹ năng word, excel, powerpoint mà kỹ năng mềm ở đây bao gồm cả kỹ năng tin học văn phòng. Trong đó việc sinh viên ít được tiếp xúc nhất là sử dụng các loại máy in, máy photo cỡ to. Tin chắc rằng, nhiều sinh viên khi đi thực tập phải mất rất nhiều thời gian để tiếp xúc và làm quen với các loại máy mới.
Đây chính là những nguyên nhân khiến một sinh viên khi đi thực tập thường rất khó để hòa nhập vào môi trường mới.
Làm thế nào để hòa nhập cùng mọi người khi đi thực tập
Để hòa nhập cùng mọi người khi đi thực tập, các bạn có thể làm theo các bước sau:
– Hòa nhập cùng những người giống mình trước, sau đó mới hòa nhập cùng mọi người. Thông thường, một công ty khi tuyển thực tập sinh sẽ tuyển không chỉ một người. Chính vì vậy, trước tiên hãy kết thân với những người đang là thực tập sinh giống mình trước. Sau đó có thể thông qua các bạn thực tập sinh và kết thân với những đồng nghiệp khác trong cùng một công ty. Do không phải thực tập sinh nào khi vào công ty cũng sẽ ngại giao tiếp hay giỏi giao tiếp như nhau. Sẽ có những thực tập sinh rất hướng ngoại, giỏi giao tiếp sẽ làm quen được với các đồng nghiệp khác trước. Vậy nên nếu bạn không phải là một người có khả năng giao tiếp tốt, bạn nên kết thân với những thực tập sinh khác trước để từ đó kết thân với đồng nghiệp trong công ty.
– Chủ động trong các công việc nhỏ của văn phòng. Một văn phòng ngoài công việc chính là nghề bạn được đào tạo trong trường đại học còn rất nhiều công việc nhỏ khác như set up máy in; đăng ký, quản lý văn phòng phẩm; chuẩn bị happy hour; … hay thậm chí là đặt đồ uống cho phòng, nhận hàng cho cấp trên, tưới cây và rửa cốc chén. Mặc dù với những công việc này, nhiều bạn sinh viên có thể cho là bóc lột sức lao động hoặc khinh thường sinh viên nhưng đây là những công việc hoàn toàn bình thường trong văn phòng; ai cũng sẽ phải biết và phải làm. Tại một số công ty, đây sẽ mặc nhiên là việc của các thực tập sinh. Tại một số công ty khác, sẽ phân công người làm luân phiên. Vậy nên, thay vì để bị sai hoặc bị nói sẽ tạo ấn tượng không tốt về bạn cho công ty; bạn hãy chủ động làm trước những công việc này.
– Chủ động hơn trong việc học hỏi. Một khi đi làm, bạn phải xác định bạn đang đi làm, bạn được trả tiền để làm công việc đó. Vậy nên, sẽ không ai cầm tay chỉ cho bạn từng công việc bạn phải làm. Việc học hỏi sẽ do bạn chủ động quan sát các đồng nghiệp khác. Bạn chỉ nên hỏi khi có phần yêu cầu chuyên môn và kinh nghiệm mà bạn chưa làm được.
– Có kế hoạch quản lý thời gian. Như đã nói ở trên, mỗi nhân viên là một chi tiết trong một guồng máy, mỗi công việc bạn làm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều phòng, ban trong công ty. Vậy nên, việc quản lý thời gian không chỉ quản lý thời gian để cân bằng giữa học tập và làm việc mà còn là việc quản lý thời gian làm xong một công việc, dự kiến khi nào sẽ xong và báo cáo với cấp trên.
Chúc các bạn trải qua kỳ thực tập một cách suôn sẻ và vui vẻ.
Was this helpful?
0 / 0