Khi việc học đại học trở nên quá đại trà, nhiều trường đại học được mở ra với mục đích vớt tất cả những thí sinh đã không đỗ những đại học trước đó. Việc trượt đại học hiện nay được ví còn khó hơn cả đỗ đại học. Có thể thấy, bậc học đại học hiện nay đã trở nên quá đại trà. Đi cùng với việc giáo dục đại học trở nên đại trà, số lượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, làm trái ngành cũng theo đó tăng lên khiến không ít người hoài nghi về tấm bằng đại học mà không một lần nhìn lại liệu ngôi trường đó có thực sự đào tạo một ngành nghề nào đó một cách nghiêm túc; có đảm bảo đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng bây giờ hay chỉ đào tạo cho có một ngành trong trường. Đi cùng với đó, bản thân sinh viên có nhìn lại tấm bằng đại học có thực sự là sự cố gắng của bản thân hay chỉ là chuỗi ngày đi học cho bằng bạn bằng bè, học để thử cảm giác.
Gần đây, việc học đại học hay xuất khẩu lao động đang trở thành vấn đề gây tranh cãi khi nhiều học sinh có lực học giỏi, thi đỗ đại học với điểm số cao vẫn quyết định đi xuất khẩu lao động. Vấn đề được đặt ra với hai quan điểm trái ngược nhau. Về phía những người ủng hộ việc đi xuất khẩu lao động, có những lí do sau khiến họ ủng hộ:
– Chi phí cho việc học đại học tăng.
– Số lượng sinh viên làm trái ngành, thất nghiệp gia tăng.
– Nhiều sinh viên sau khi ra trường phải giấu bằng đại học đi làm công nhân, điều này tương tự với việc đi xuất khẩu lao động.
– Quan điểm “đại học không phải con đường duy nhất” cùng sự phát triển của các trường dạy nghề giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn sau khi tốt nghiệp THPT.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối việc xuất khẩu lao động cũng có những lí do chính đáng:
– Không nên quá coi trọng lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài do việc học đem lại.
– Nhiều cơ sở tư vấn xuất khẩu lao động có dấu hiệu lừa đảo.
– Chi phí đào tạo cao, sau khi đi xuất khẩu cũng phải tích góp mới có thể gửi số tiền lớn về Việt Nam.
– Phí thời gian 4 năm, sau 4 năm, nhiều lao động không thể tiếp tục làm việc tại Việt Nam mà lại chọn con đường xuất khẩu lao động tiếp.
– Không thể bắt kịp với tiến độ phát triển của ngành nghề tại Việt Nam nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam, khả năng thất nghiệp tại Việt Nam cao.
Có thể thấy, những lí do trên đều có phần đúng. Việc lựa chọn học đại học hay xuất khẩu lao động tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Theo quy luật vận hành của xã hội, nếu bỏ ra một khoảng thời gian quá dài để đổi lại một mức thu nhập không xứng với công sức đã bỏ ra, nhiều người sẽ chọn lựa chọn có thời gian ngắn nhưng mang lại thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên đại học khổng lồ nhưng không được đào tạo bài bản, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội; thay vì áp đặt quan điểm phải học đại học, tại sao không tạo cho học sinh đã tốt nghiệp THPT nhiều hướng đi khác mà họ cảm thấy phù hợp với khả năng của mình.
Tóm lại, việc chọn đi xuất khẩu lao động thay vì học đại học không hề sai. Tuy nhiên, việc đề cao đi xuất khẩu lao động và cho rằng học đại học là dư thừa sẽ gây hệ lụy rất nhiều cho xã hội. Nếu những thế hệ tiếp theo ai cũng nghĩ sẽ đi xuất khẩu lao động, kinh tế mũi nhọn của cả nước sẽ chuyển sang nền kinh tế xuất khẩu lao động, phải sống phụ thuộc vào nhu cầu của các nước khác mà không thể tự chủ được nền kinh tế của chính mình. Xã hội cũng không thể phát triển khi thiếu lực lượng phát triển.
Chình vì vậy, chọn đi xuất khẩu lao động thay vì học đại học không sai nhưng cần phải cân nhắc kỹ cái lợi và cái hại cả trước mắt và lâu dài.
Was this helpful?
0 / 0