Học việc nghề luật là gì?

Học việc nghề luật hiểu đơn giản là khi các bạn sinh viên mới ra trường muốn tiếp xúc thực tế với công việc và khi có nhu cầu học việc chúng ta thường liên hệ tới các đơn vị hành nghề như các công ty luật, văn phòng luật sư. Một số trường hợp dù là cử nhân luật tuy nhiên khi ra trường và đi làm không thể soạn thảo một tờ đơn hoặc một hồ sơ đơn giản. Do vậy, trường hợp muốn gắn bó với nghề thì thông thường tác giả khuyên các bạn sinh viên mới hoặc chuẩn bị ra trường nên liên hệ các tổ chức hành nghề luật để tiến hành học việc.

Học việc nghề luật có lương hay không? Chế độ với học việc, thực tập sinh tùy thuộc vào từng đơn vị có thể là học việc không lương hoặc hỗ trợ chi phí đi lại. Tuy nhiên, dù là học việc thì nếu có ít nhiều đóng góp cho công ty các bạn có thể đề nghị được hỗ trợ. Trường hợp có đóng góp thực tế thì ít trường hợp các văn phòng từ chối. Cần lưu ý rằng, nhiều bạn quan điểm đi học việc là phải có lương nhưng các bạn nên xác định rõ đi “học” hay đi “làm“. Thực tế, một công việc về luật thường phải theo đuổi một thời gian thường là vài ngày, vài tuần tới vô thời hạn. Nghề luật là một nghề cần sự cẩn thận, đôi khi việc các bạn có thể nhập chính xác các thông tin khách hàng cung cấp để gửi cho luật sư đã là một ghi nhận của văn phòng.

Đối với trường hợp các bạn có năng lực tốt, có thể thực hiện công việc mà không cần hướng dẫn, đừng ngần ngại ứng tuyển vị trí nhân viên và đề xuất một mức lương như các bạn mong muốn.

Có nên đi học việc không lương? Để trả lời câu hỏi này có lẽ là tùy từng quan điểm và mong muốn của các bạn đối với nghề luật. Có ý kiến cho rằng “tôi bỏ thời gian, công sức đi làm việc thì cần có lương” hoặc “không lương thì sống bằng gì?” thì có thể xem xét lại các ý kiến đã phân tích ở trên là bạn đi “học” hay đi “làm”, “bạn đã đóng góp được gì cho công ty hay chưa?”. Sau khi có câu trả lời thì chắc hẳn các bạn có thể trả lời được cho câu hỏi ban đầu.

Chia sẻ của một bạn về việc học việc nghề luật:

Năm 3 đại học tôi đi học việc không lương ở công ty luật. Được học việc ở đó tôi đã thấy rất biết ơn rồi. Trong khi người khác phàn nàn về việc không lương, bị bóc lột, bị sai vặt như nấu cơm, dọn văn phòng,… tôi nghĩ khác họ. Nếu coi việc dọn VP, nấu cơm, rót nước là sức lao động để trả tiền ở công ty luật thì tôi sẽ không đến công ty luật học việc; tôi nên đi làm ở KFC, quán cafe, bốc vác sẽ được trả nhiều tiền hơn. Pha trà, dọn nhà, sắp xếp đồ đạc, nấu ăn, uống rượu,… tôi đều phải học lại và việc gì cũng cho tôi bài học. Văn phòng chỉ có 3-5 người, nếu bạn không dọn văn phòng, pha trà, nấu ăn thì ai làm, luật sư hướng dẫn bạn làm? Nếu họ làm những việc vặt thì thời gian đâu hướng dẫn bạn? Thuê người làm việc vặt, ok thuê vậy thì còn chi phí trả chỗ ngồi, chỗ gửi xe, tiền cơm trưa,… cho bạn học việc thì ai trả? Theo quan điểm của tôi, nếu bạn xác định muốn theo con đường nghề nghiệp có tính chuyên môn cao như pháp lý thì đừng lấy những việc vặt ra để đo giá trị sức lao động.

Dù tôi không theo nghề luật sư tố tụng, nhưng thời gian học việc không lương rất ý nghĩa với tôi, tôi luôn biết ơn cô chú luật sư dạy việc cho tôi và vẫn thường xuyên qua đó thăm mọi người. Nhờ thời gian học việc đó, tôi học được tư duy pháp lý, cách sắp xếp, đánh giá công việc và rất nhiều những kỹ năng sống khó mà kể tên.

Các bạn đòi hỏi có lương thì hãy hiểu đúng tính chất vị trí các bạn ứng tuyển. Là học việc hay là nhân viên làm việc? Nếu là học việc thì các bạn đang đi học, cái các bạn cần là kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn đi làm việc đó là bạn bán sức lao động lấy đồng lương. Thời điểm này, bạn có gì để bán? Sức lao động của bạn là gì? Năng lực làm việc của bạn là gì? Bạn có thể làm được những gì? Công việc bạn làm để đổi lấy đồng lương là gì?

Xã hội không phải gia đình, công ty không phải bố mẹ nên không có nghĩa vụ chu cấp cho chúng ta. Không có chỗ nào việc nhẹ, lương cao, sếp tốt, lại được CẦM TAY CHỈ VIỆC, môi trường thân thiện cả. Nếu có những nơi như thế thì quãng thời gian người ta cầm tay chỉ việc cho bạn giống như họ đầu tư cho bạn để khai thác bạn khi bạn đủ năng lực thôi, trao đổi lợi ích cả. Nhưng việc đầu tư vào nhân sự không chút năng lực làm việc gì, không xác định mức độ gắn bó thì quá rủi ro. Đấy là quan điểm của tôi, bạn có thể đồng tình hoặc không.

Những người bóc phốt về tình trạng đãi ngộ kém về ngành luật thì mình nghĩ bạn nên xem lại và đánh giá lại những đối tượng đó đang thành công thật sự với nghề hay chưa. Một số bạn toxic khuyên bạn học xong kiếm công ty nước ngoài để làm pháp chế cho lương cao, việc nhẹ. Vậy tôi xin hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp tuyển pháp chế không có kinh nghiệm; trong đó có bao nhiêu tuyển pháp chế không kinh nghiệm mà lương cao; trong số công ty tuyển dụng pháp chế không kinh nghiệm thì bạn phải chiến đấu với bao nhiêu người và tỉ lệ thắng ra sao?

Tôi thấy nghề nào cũng thế, nhưng nghề có tính đặc thù về chuyên môn này đòi hỏi các bạn về khả năng làm việc độc lập, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý vấn đề, tư duy vụ việc và cao hơn là khả năng bao quát. Yếu tố gia tăng của bạn nữa là lý lịch nghề nghiệp. Khi bạn hội tụ đủ các yếu tố trên thì tôi nghĩ rằng thu nhập của bạn không hề thấp, chỉ là bao lâu, khi nào, điều kiện nào để các bạn đạt được thu nhập cao. Khi tôi làm pháp chế doanh nghiệp với vai trò độc lập, mức lương nhân viên pháp chế của tôi luôn cao hơn đồng nghiệp đồng cấp ở các bộ phận/phòng/ban khác và bạn bè tôi đa phần cũng thế (lương chuyên viên bằng lương trưởng phòng khác, lương trưởng nhóm bằng trưởng phòng khác). Nếu bạn nói công ty luật trả lương thấp, tôi xin phép nói rằng khi bạn làm ở công ty luật, bạn hãy tính tổng thu nhập của bản thân thay vì mức lương của mình. Ở công ty luật có rất nhiều cách cho bạn kiếm tiền khi bạn có thời gian, điều kiện tạo dựng các mối quan hệ, sự chủ động trong công việc,… Điều quan trọng là bạn chuyển hóa các tài nguyên đó thành thu nhập ra sao, bạn có chủ động kiếm tiền không hay thụ động chờ người khác kiếm thay và trả mức lương cố định cho mình.

Không phải tôi khoe và bạn cũng đừng nghĩ tôi khoe, tôi sẽ lấy mức thu nhập và các mốc của bản thân cho bạn tham khảo:

1. Năm 3 đại học, tôi đi học việc không lương, cái tôi nhận lại là những bài học đầu đời khi đi làm, khi vào nghề và bài học làm người.

2. Năm 4 đại học, tôi làm shipper pháp lý, lương 5 triệu/tháng và tôi nhận được sự chỉ dẫn tương đối, những kỹ năng mềm khi làm việc với khách hàng, cơ quan nhà nước, cái nhìn sơ khai về thực tiễn pháp lý doanh nghiệp. Đổi lại tôi phải tự mình chủ động đa số công việc và chịu vất vả.

3. Ra trường, tôi đi làm pháp chế, phải làm độc lập, đôi khi được luật sư thuê ngoài của công ty hỗ trợ. Khi tôi chưa thể hiện được sự tự tin và độc lập, mức lương của tôi chỉ 6 triệu/tháng; khi tôi thể hiện sự tự tin và độc lập, tôi đàm phán lại và công ty trả tôi 10 triệu/tháng. Tôi duy trì mức lương 10-12 triệu tháng khoảng 3 năm, đủ năng lực, tôi tự tin apply những vị trí khó hơn và với mức lương cao hơn, tôi từ chối công ty trả mức lương 20 triệu/tháng nhưng ít tên tuổi để tôi làm trong hệ thống tập đoàn lớn có tên tuổi với mức lương 15 triệu/tháng. 4 năm từ khi ra trường, sau lần nhảy việc nữa, chấp nhận mức lương thấp để có cơ hội làm quản lý (tạm thời) phòng pháp chế của doanh nghiệp lớn lấy danh, lấy lý lịch đẹp tương xứng với năng lực, tôi lại chuyển việc và mức lương tối thiểu khi tôi apply là 25 triệu/tháng.

4. Khi tôi ra trường được 5 năm, Công ty đề xuất mức lương gần 40 triệu/tháng thì tôi nghỉ công việc pháp chế để theo đuổi ước mơ nghề luật sư doanh nghiệp của mình.

Trong số bạn bè tôi, rất nhiều người người có thu nhập, tốt độ thăng tiến hơn tôi rất nhiều. Tôi thấy nghề này không bạc bẽo, không quá khó để bạn theo đuổi. Quan trọng là bạn đủ kiên trì, sức chịu đựng bạn ra sao và sự tâm huyết của bạn với nghề nghiệp.

Tương lai của bạn, nghề nghiệp của bạn hãy tham khảo cho kỹ, đừng để những tiêu cực lấn át lý trí, nhưng cũng đừng nghĩ có sự dễ dàng, đỏi hỏi có sẵn.

Thay vì lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ xã hội, tôi khuyên bạn nên bình tĩnh suy nghĩ, tìm đi hướng đi của mình. Bạn có thể hỏi những người thất bại, người không theo nghề về lý do thất bại của họ mà tránh ra, hỏi những người có thành quả với nghề để xem cách thành công của họ mà học hỏi. Bạn lên cộng đồng mạng xem reivew, người nói thật tâm khách quan thì ít, người cay đắng, người cợt nhả, kẻ chí phèo thì nhiều, tin hết sao nổi?

Những người đi trước nếu không thể nói những lời khách quan, những động viên hay những lời khuyên ý nghĩa, vui lòng đừng mang sự tiêu cực, thất bại của bản thân để làm xã hội thất bại, tiêu cực giống mình. Sự buông thả trong lời nói chính ra nguyên nhân dẫn đến sự tiêu cực và thất bại của bạn. Những bạn mới trải hoặc chưa trải đủ, chưa có hình dung về nghề thì cũng thôi, đừng hùa vào chửi trời đất như chí phèo, làm người khác bị tiêu cực theo.

Thân!

Học việc nghề luật như thế nào?

Để chuẩn bị cho học việc nghề luật, các bạn cần nghiên cứu nội dung mình muốn học và tìm công ty tương ứng. Nghề luật thường chia ra 2 mảng chính là tranh trụng và tư vấn, cụ thể mỗi mảng lại đi sâu vào từng lĩnh vực riêng. Do đó, tùy nhu cầu của mỗi người mà có thể tìm các đơn vị phù hợp với mong muốn của mình. Việc tuyển dụng nhân viên học việc có thể không diễn ra thường xuyên, nhưng nếu gặp công ty phù hợp các bạn có thể gửi thư ứng tuyển mà không cần có thông tin tuyển dụng.

Có nhiều công ty tuyển dụng học việc liên tục? Nghề luật cũng là một nghề như bao ngành nghề khác phải có hoạt động truyền thông, marketing. Do vậy, thường các trường hợp công ty dạng này tuyển học việc, thực tập sinh thực hiện các hoạt động này bao gồm: viết bài trên website, làm video youtube, đăng thông tin truyền thông trên facebook…Những nội dung này có thể không phù hợp với một số bạn. Tuy nhiên, việc đăng bài lên website cũng giúp ích khá nhiều một số kỹ năng như: tra cứu văn bản, rèn luyện tính cẩn thận cho sinh viên mới ra trường.

Trường đại học sẽ dạy cho bạn đủ các kiến thức chuyên ngành nhưng phần kỹ năng là do chính bản thân mình trau dồi. Ngay cả việc đào tạo luật cũng có những vấn đề nhất định. Môi trường đại học là môi trường mở nên việc giảng viên quan tâm đến từ cá nhân sinh viên là điều không thể như thời còn học sinh. Kiến thức được truyền tải trong các tiết học và sinh viên có tiếp thu thành công những lượng kiến thức đó hay không thì giảng viên không kiểm soát được. Tình trạng “dấu dốt” dấu giỏi” diễn ra thường xuyên. Những điều sinh viên chưa hiểu không dám hỏi, những điều bản thân biết cũng không dám nói sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên vẫn còn hạn chế. Đối với một ngành học liên kết thực tiễn cao như ngành Luật thì trường đại học nên hoán đổi vai trò của người thầy thành người hướng dẫn để sinh viên chủ động hơn mạnh dạn hơn khai thác hết các kiến thức cần có hỗ trợ cho công việc tương lai.

Nghề luật là một nghề cần nhiều va vấp, nên việc học việc là rất cần thiết. Có nhiều bạn rất giỏi về mặt quy định, nhưng khi thực hiện hồ sơ thì lại gặp nhiều lỗi cơ bản hoặc quy định một đằng nhưng mỗi cơ quan giải quyết lại áp dụng một nẻo. Không phải học luật là lúc nào cũng khiếu kiện, khiếu nại. Nếu trường hợp nào cũng vậy thì chẳng còn thời gian kiếm ra thu nhập đâu các bạn. Do vậy, khi làm luật cần nắm rõ thực tế nghề nghiệp mà ứng biến cho phù hợp. Có người từng nói “mồm miệng đỡ chân tay“, nghề luật cũng vậy, đôi khi chỉ cần khéo léo một chút công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm làm việc

Khi đọc tin tuyển dụng đa phần các công ty đều yêu cầu “kinh nghiệm” nhất định. Như vậy, kinh nghiệm ở đâu ra với sinh viên mới ra trường? Đối với một sinh viên mới ra trường làm sao đáp ứng đủ yêu cầu đó của các doanh nghiệp. Mặt bằng lương thì không cao, yêu cầu lại quá nhiều nên có vô vàn các bạn tốt nghiệp cử nhân Luật quyết định làm trái ngành để có đồng lương ổn hơn lo cho cuộc sống tốt hơn. Do vậy, nếu bạn nào có ý định gắn bó với nghề luật thì nên xem xét tới việc học việc tại các công ty.

Thời điểm học việc tốt nhất? Thường thời điểm học việc tốt nhất là tầm năm 3 hoặc 4 khi các bạn đã nắm được kiến thức cơ bản và cần cọ xát thực tế. Do đó, nếu đang còn là sinh viên hãy lưu ý tới vấn đề này.

Lời khuyên

Ngành luật là ngành tương đối nhiều cơ hội việc làm. Bằng cử nhân luật có thể làm đa ngành, đa nghề. Do đó, để tích lũy kinh nghiệm hay tiến hành học việc tầm 1 – 2 năm, đừng quá quan tâm đến đồng lương hoặc phụ cấp. Ngoài ra, sinh viên nên trau dồi khả năng về ngoại ngữ để có thể có mức lương cao hơn. Hy vọng thông tin sẽ hữu ích cho các bạn. Nếu bài viết hữu ích hãy share cho mọi người cùng đọc nhé!

Was this helpful?

1 / 0