Bên cạnh những nghề nghiệp được đông đảo sinh viên luật sau khi ra trường lựa chọn như: pháp chế doanh nghiệp; luật sư tư vấn; công chứng viên; luật sư tranh tụng; vào làm việc tại Tòa án cũng là ước mơ của nhiều sinh viên luật sau khi ra trường. Tuy nhiên, do Tòa án cũng đã có học viện đào tạo nguồn riêng nên nhiều sinh viên luật còn e dè với quyết định vào tòa án. Cụ thể hướng đi cho sinh viên luật muốn vào Tòa án như thế nào? Mời các bạn tham khảo bài viết sau:
Các chức danh dành cho sinh viên luật tại Tòa án
Tòa án tồn tại nhiều chức danh: Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa và công chức khác. Ngoài ra, trong Tòa án cũng sẽ có người lao động thực hiện công khác như văn thư, kế toán,…
Đối với sinh viên luật mới ra trường; thư ký tòa thường sẽ là mục tiêu của đa số sinh viên. Bên cạnh đó, vị trí này là vị trí thường xuyên thông báo tuyển dụng.
Điều kiện để vào làm thư ký viên tại Tòa án
Điều kiện để vào làm thư ký viên tại Tòa án quy định tại Thông báo 09/TB-TANDTC-TCCB như sau:
Thực hiện Kế hoạch số 08/KH-TANDTC-TCCB ngày 29/3/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tuyển dụng Thư ký viên Tòa án nhân dân Đợt 1, năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao thông báo như sau:
I. VỊ TRÍ, CHỈ TIÊU TUYỂN DỤNG
Tuyển dụng 220 công chức ngạch Thư ký viên làm việc tại Tòa án nhân dân các cấp.
II. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN
1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung:
Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển vào làm việc tại Tòa án nhân dân:
– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
– Đủ 18 tuổi trở lên;
– Có Phiếu đăng ký dự tuyển;
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lịch sử chính trị của bản thân và gia đình không vi phạm quy định của Đảng và Tòa án nhân dân tối cao (hay hệ thống TA) về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
– Đủ sức khoẻ để công tác theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền, không bị dị hình, dị tật, khuyết tật, không nói lắp, nói ngọng; nam cao từ 1,60m, nặng từ 50kg trở lên; nữ cao từ 1,55m, nặng từ 45kg trở lên.
2. Điều kiện tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí dự tuyển:
– Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ:
+ Có trình độ Cử nhân Luật hệ chính quy loại khá trở lên;
+ Có chứng chỉ (hoặc chứng nhận) tốt nghiệp do Học viện Tòa án cấp đối với Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Tòa án, hoặc Lớp nghiệp vụ Thư ký viên, hoặc Lớp nghiệp vụ xét xử; hoặc có chứng chỉ (hoặc chứng nhận) tốt nghiệp do Học viện Tư pháp cấp đối với Lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư (chương trình đào tạo 3 chung).
– Về trình độ ngoại ngữ: Có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ Bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Về trình độ tin học: Có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và truyền thông.
3. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
– Không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn tại Điểm 1, 2, Mục II Thông báo này;
– Không cư trú tại Việt Nam;
– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; bị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật.
III. HÌNH THỨC, NỘI DUNG TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG
1. Hình thức tuyển dụng
Tuyển dụng thông qua thi tuyển.
2. Nội dung
Thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng sau:
2.1. Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên giấy.
a) Nội dung thi trắc nghiệm gồm 03 phần:
– Phần I: Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Thời gian thi 60 phút.
– Phần II: Ngoại ngữ tiếng Anh, 30 câu hỏi, thời gian thi 30 phút.
– Phần III: Tin học 30 câu hỏi, thời gian thi 30 phút.
b) Miễn phần thi ngoại ngữ tiếng Anh (Vòng 1) đối với các trường hợp sau:
– Có bằng tốt nghiệp Cử nhân trở lên chuyên ngành ngoại ngữ (tiếng Anh);
– Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật hoặc tương đương trở lên do được học tập ở nước ngoài bằng tiếng Anh, hoặc được học ở Việt Nam bằng tiếng tiếng Anh, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
– Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số, trong trường hợp dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
c) Miễn phần thi tin học (Vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.
d) Kết quả thi Vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp Vòng 2.
2.2. Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
– Hình thức, thời gian thi: Thi viết 180 phút.
– Nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.
– Thang điểm: 100 điểm.
3. Xác định người trúng tuyển
3.1. Người trúng tuyển phải có số điểm Vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng.
3.2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi Vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định người trúng tuyển.
3.3. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
4. Đối tượng và điểm ưu tiên
4.1. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2;
4.2. Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm thi tại Vòng 2;
4.3. Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại Vòng 2;
4.4. Trường hợp người dự thi tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại Vòng 2.
IV. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN, THỜI GIAN NHẬN HỒ SƠ
1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
Hồ sơ dự tuyển (đựng trong túi Hồ sơ), mặt ngoài ghi rõ “Hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức Thư ký viên Tòa án nhân dân Đợt 1, năm 2023”, ghi đầy đủ họ và tên, địa chỉ, điện thoại liên hệ và liệt kê đầy đủ các loại giấy tờ có trong hồ sơ.
1.1. Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu (Phụ lục 01);
1.2. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật theo mẫu (dán ảnh 4×6), có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người dự tuyển thường trú, hoặc cơ quan Nhà nước nơi người dự tuyển đang công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển (Phụ lục 02);
1.3. Phiếu sơ tuyển (Phụ lục 03);
1.4. Bản sao các văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Các văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài phải được công nhận văn bằng của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam;
1.5. Bản sao giấy khai sinh, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân được Cơ quan có thẩm quyền cấp;
1.6. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp (Thí sinh hoàn thiện mục này khi có thông báo kết quả trúng tuyển);
1.7. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
1.8. Các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận là đối tượng ưu tiên, đối tượng được miễn thi ngoại ngữ, tin học;
1.9. Ba (03) phong bì thư có dán tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại người nhận.
Thí sinh đăng ký dự tuyển chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc kê khai hồ sơ đăng ký dự tuyển. Tòa án nhân dân tối cao chỉ tiếp nhận hồ sơ đủ theo quy định tại Thông báo này và không gửi trả lại hồ sơ nếu không được tuyển dụng.
2. Địa điểm, thời hạn nhận hồ sơ và sơ tuyển
2.1. Địa điểm nhận hồ sơ dự thi: Phòng 219 Vụ Tổ chức – Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, số 43 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Điện thoại 0904.194.195; 0976.300.650; 0985.298.183.
2.2. Thời hạn nhận hồ sơ dự đăng ký dự tuyển: 30 ngày kể từ ngày 31/3/2023 đến hết ngày 29/4/2023 (trong giờ hành chính).
2.3. Thí sinh thực hiện việc sơ tuyển theo địa điểm và thời gian nêu tại tiêu mục 2.1 và 2.2 nêu trên
V. THỜI GIAN THI, LỆ PHÍ DỰ THI
1. Thời gian, địa điểm tổ chức thi: Dự kiến Tháng 4,5/2023, tại Học viện Tòa án, đường 282, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội; thời gian thi cụ thể sẽ có thông báo trên trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao tại địa chỉ: http://www.toaanmov.vn.
2. Lệ phí dự thi: Thí sinh đủ điều kiện nộp lệ phí dự thi theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Lưu ý thí sinh dự thi: Tòa án nhân dân tối cao sẽ thông báo các nội dung có liên quan đến công tác tuyển dụng công chức trên trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao tại địa chỉ: http://www.toaan.gov.vn và không gửi thông báo bằng giấy đến từng thí sinh. Đề nghị thí sinh theo dõi để thực hiện./.
Điều kiện chung
– Có quốc tịch Việt Nam.
– Đủ 18 tuổi trở lên.
– Có phiếu đăng ký dự tuyển.
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lịch sử chính trị của bản thân và gia đình không vi phạm quy định của Đảng và hệ thống Tòa án nhân dân về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
– Đủ sức khỏe để công tác theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyển, không bị dị hình, dị tật, khuyết tật, không nói lắp, nói ngọng; nam cao từ 1,60m, nặng từ 50kg trở lên; nữ cao từ 1,55m, nặng từ 45kg trở lên.
Điều kiện tiêu chuẩn
– Trình độ Cử nhân Luật hệ chính quy loại khá trở lên.
– Có chứng chỉ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Tòa án, Thư ký viên hoặc nghiệp vụ xét xử của Học viện Tòa án; hoặc có chứng chỉ Lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp.
– Có chứng chỉ ngoại ngữ: 3.0 – 3.5 IELTS; 150 TOEIC; 400/97 TOEFL hoặc chứng chỉ ngoại ngữ A2 trở lên do các trường đại học cấp.
– Có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Những trường hợp không được đăng ký dự tuyển
– Không đáp ứng được điều kiện đã được đưa ra.
– Không cư trú tại Việt Nam.
– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; bị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật.
Lộ trình tham khảo để vào Tòa án đối với sinh viên luật
Lộ trình học tập | |
Năm nhất | – Tham gia ít nhất 02 CLB hoặc tham gia Liên chi đoàn. – Tích cực tham gia các hoạt động do Trường tổ chức. – Tích cực tham gia các cuộc thi qua mạng do Trường phát động. – Thi chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản do trường tổ chức. |
Năm hai | – Ôn thi tiếng anh. – Tham gia một số giải chạy do Đoàn trường phát động. – Tham gia một số hoạt động tại CLB ngoài trường do các trường đại học khác tổ chức. |
Năm ba | – Tham gia thi cuộc thi sinh viên 05 tốt. – Đăng ký học lớp “Cảm tình Đảng”. – Tham gia đợt xét trở thành Đảng viên dự bị. |
Năm cuối | – Thi chứng chỉ tiếng anh như IELTS, TOEIC, TOEFL hoặc tham gia kỳ thi CĐR do trường tổ chức. – Tham gia đợt xét trở thành Đảng viên chính thức. – Hoàn thiện các môn học, lấy bằng cử nhân tại trường đại học. |
Ra trường 01 năm | – Đăng ký học lớp đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp trong vòng 18 tháng; lấy chứng chỉ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp. |
Ra trường 02 năm | – Trước khi chuẩn bị hồ sơ 1 tháng, đi khám sức khỏe và xin dấu sơ yếu lý lịch. – Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức Thư ký viên Tòa án nhân dân: + Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu. + Sơ yếu lý lịch tự thuật có dán ảnh, có xác nhận trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển. + Phiếu sơ tuyển theo mẫu. + Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học luật; bản sao có chứng thực chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng và chứng chỉ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. + Bản sao có chứng thực giấy khai sinh, CMND hoặc CCCD. + Phiếu lý lịch tư pháp. (Có thể bổ sung sau) + Giấy khám sức khỏe có xác nhận trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển. + Các loại giấy tờ xác nhận là đối tượng ưu tiên. + 03 phong bì thư có dán tem, ghi rõ địa chỉ, số điện thoại người nhận. – Nộp hồ sơ tại Phòng 219 Vụ Tổ chức – Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, số 43 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Điện thoại 0904.194.195; 0976.300.650; 0985.298.183. – Tham gia thi tuyển 02 vòng vào Tòa án. |
Was this helpful?
3 / 0