HĐLĐ của tôi không xác định thời hạn, tôi báo trước cho công ty 45 ngày để nghỉ. Nhưng làm được 30 ngày thì vì lý do gia đình có việc gấp tôi không tiếp tục làm nữa và đóng tiền cho công ty 15 ngày còn lại. Công ty vẫn quyết định là tôi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và vì thế tôi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như thế đúng không?
Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi:
– Chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật).
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy nên, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi:
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
– Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
– Không nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Tìm được việc làm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Không làm đủ số ngày báo trước có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Để được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, bạn phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:
– Báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
– Báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
– Báo trước 3 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng.
– Không báo trước nhưng lý do chấm dứt hợp đồng lao động nằm trong các trường hợp sau:
+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp được điều chuyển sang làm công việc khác.
+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã dùng mọi cách để khắc phục và việc chậm trả lương không kéo dài quá 30 ngày.
+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
+ Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
+ Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế về việc tiếp tục làm việc gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực.
Theo đó, lý do xin nghỉ vì lý do gia đình không thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước. Hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, bạn phải báo trước ít nhất 45 ngày cho người sử dụng lao động. Do bạn chỉ báo trước được 30 ngày nên đây được coi là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Was this helpful?
0 / 0