Làm thêm giờ là gì?

Làm thêm giờ theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: “Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động”.

Như vậy, có thể hiểu thời gian làm thêm giờ đơn giản như sau. Ví dụ: một doanh nghiệp có thời gian làm việc một ngày từ 8:00 – 17:00; thời gian nghỉ trưa kéo dài từ 12:00-13:00. Vậy, thời gian làm thêm giờ sẽ được tính từ 17:00 đến 8:00 sáng hôm sau. Hay nói cách khác, làm thêm giờ được hiểu là làm ngoài giờ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động sau khi đã kết thúc giờ làm việc trong hợp đồng lao động.

Giới hạn số giờ làm thêm

Số giờ làm thêm của người lao động được giới hạn không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày; không quá 40 giờ trong một tháng; không quá 200 giờ trong một năm và không quá 300 giờ trong một năm với một số trường hợp đặc biệt. Thời giờ làm việc của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 là không quá 8 giờ một ngày.

Như vậy, số giờ làm thêm của người lao động phải đảm bảo dưới 4 tiếng một ngày; dưới 40 giờ trong một tháng và dưới 200 giờ trong một năm.

Tiền lương làm thêm giờ

Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Bên cạnh đó, từ quy định tại Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; cách xác định tiền lương làm thêm giờ như sau:

– Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian

Tiền lương làm thêm giờ=Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thườngxMức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%xSố giờ  làm thêm

– Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm

Tiền lương làm thêm giờ=Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thườngxMức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%xSố sản phẩm làm thêm

Trình tự xin làm thêm giờ

Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 107. Làm thêm giờ
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Pháp luật quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm lập nội quy lao động cũng như từ quan hệ lao động trên thực tế; người sử dụng lao động ít khi yêu cầu người lao động làm thêm giờ. Bởi:
– Người lao động làm thêm giờ gây lãng phí thêm nhiều tài nguyên của công ty như điện, nước do không phải tất cả các phòng ban đều hoạt động trong thời gian làm thêm; mà những công trình phục vụ mục đích chung không được dừng hoạt động trong thời gian này. Vậy nên, gây lãng phí tài nguyên cho công ty.
– Người sử dụng lao động có thể đăng ký giờ làm việc theo ca và bố trí người lao động làm thay phiên nhau với mức lương là 130% mức thỏa thuận trong hợp đồng thay vì sử dụng phương án làm thêm giờ và tốn thêm chi phí là 150% mức lương thỏa thuận trong hợp đồng.
– Người lao động làm thêm giờ là biểu hiện của việc hiệu suất làm việc không được đảm bảo. Với số lượng công việc đã giao; thay vì mất 8 tiếng để hoàn thành; người lao động lại mất từ 10 – 12 tiếng mới có thể hoàn thành.

Chính vì những lí do trên; nhiều người sử dụng lao động không hề mong muốn, khuyến khích người lao động làm thêm giờ; mà bản thân người lao động muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Chính vì vậy; trong một nội quy lao động thường sẽ có trình tự xin làm thêm giờ như sau:
– Bước 1: Người lao động báo với người sử dụng lao động lịch làm thêm giờ dự kiến của mình trong tháng tới ít nhất 03 ngày trước khi hết tháng.
– Bước 2: Người sử dụng lao động tiến hành phân bổ lại lịch, thông báo lại lịch làm thêm cho toàn bộ người lao động.

Hoặc tại nhiều công ty; số ngày làm thêm giờ thường được kiểm soát bằng việc chấm công và sau đó báo lại với người sử dụng lao động vào ngày chốt công.

Làm thêm giờ như thế nào cho đúng luật?

Có thể thấy, việc làm thêm giờ thực tế bắt nguồn từ phía người lao động; người lao động có yêu cầu và người sử dụng lao động phân bổ sao cho hợp lý. Tuy nhiên, không ít trường hợp người sử dụng lao động chỉ quan tâm đến việc trả đủ 150% mức lương thỏa thuận trong hợp đồng là có thể sử dụng người lao động làm thêm giờ bất cứ lúc nào. Mà quên đi yêu cầu của việc làm thêm giờ đúng luật là phải có sự đồng ý của người lao động. Và sự đồng ý này phải được thể hiện bằng văn bản với chứng cứ rõ ràng bằng “Văn bản thỏa thuận làm thêm giờ” theo mẫu 01/PLIV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Với những công ty chỉ nghĩ đến vấn đề trả đủ 150% lương là sẽ thỏa mãn yêu cầu của pháp luật; trường hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội xuống kiểm tra sẽ rất khó khăn trong việc chứng minh sự đồng ý của người lao động với việc làm thêm giờ. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của công ty; công ty cần đảm bảo với mỗi trường hợp làm thêm giờ đều có văn bản thỏa thuận làm thêm giờ.

Trường hợp không có văn bản thỏa thuận làm thêm giờ, công ty có thể chứng minh bằng email thông báo tới từng người lao động về kế hoạch làm thêm giờ; file excel đăng ký làm thêm giờ được chia sẻ cho tất cả người lao động; tin nhắn thông báo làm thêm giờ và không có người lao động nào phản đối. Tuy nhiên, minh chứng đảm bảo nhất vẫn là văn bản thỏa thuận làm thêm giờ theo mẫu quy định.

Trường hợp làm thêm giờ đến tối có được tính thêm tiền làm việc vào ban đêm không?

Giờ làm việc ban đêm được xác định từ 22:00 giờ đêm đến 06:00 giờ sáng ngày hôm sau. Vậy nên, trường hợp làm thêm giờ đến sau 22 giờ đêm. Từ thời điểm 22 giờ đêm trở đi; người lao động sẽ được tính thêm 30% tiền lương làm việc vào ban đêm và 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được xác định như thế nào?

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được xác định theo quy định tại Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
– Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian:
Tiền lương làm thêm giờ = (Tiền lương giờ thực trả x 150% + Tiền lương giờ thực trả x 30% + 20% x Tiền lương giờ thực trả) x Số giờ làm việc ban đêm.
– Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Tiền lương làm thêm giờ = (Đơn giá tiền lương sản phẩm x 150% + Đơn giá tiền lương sản phẩm x 30% + 20% x Đơn giá tiền lương sản phẩm) x Số sản phẩm làm được trong thời gian làm thêm giờ.

Was this helpful?

0 / 0