Một trong những vấn đề khó xử nhất của người học và làm luật đó là có nên tư vấn miễn phí và tư vấn một cách dễ dãi cho bất kì ai đặt câu hỏi với mình hay không? Tất nhiên, quan điểm thế nào thì là tùy mỗi người, nhưng mình có một số kinh nghiệm chia sẻ đến mọi người, nhất là những người sẽ hành nghề luật sau này:
1. Một số lý do không nên tư vấn miễn phí:
– Mất thời gian của bản thân mà đổi lại bạn không được gì dù chỉ một lời cám ơn. Bản tính nhiều người cực kì kém văn hóa và vô ơn. Họ tự cho rằng cả thiên hạ nợ họ một điều gì đó nên họ có thể tùy tiện yêu cầu sự giúp đỡ của người khác, đến khi được việc thì họ quên bẵng đi ngay và thậm chí một lời cám ơn cũng không có.
– Nhiều trường hợp tư vấn đúng, có tâm và cuối cùng bị chửi bới xúc phạm vì tư vấn không đúng ý họ. Nhiều người họ thực ra tìm lời tư vấn chỉ vì muốn lôi kéo đồng minh, muốn tìm người cùng quan điểm và cho rằng họ là người đúng trong vấn đề họ đang gặp. Khi bạn làm nghề luật, bạn tư vấn đúng sự thật và không theo quan điểm họ mong muốn thì họ sẽ nổi nóng và xúc phạm bạn. Đây là chuyện xảy ra rất thường xuyên.
– Nhiều trường hợp nhờ tư vấn nhưng thực ra là sinh viên học dốt đi hỏi bài hoặc chính là nhân viên ngành luật không làm được việc nên đi hỏi khắp nơi. Những trường hợp này mình thường bơ đi vì lý do rất đơn giản: Nếu bạn làm bài giúp sinh viên luật thì là bạn đang gián tiếp sản sinh ra nguồn nhân lực chất lượng kém cho xã hội; còn với nhân viên luật mà không làm được việc và đi hỏi bạn thì hãy đặt cho họ câu hỏi rằng khi họ làm được việc và được trả lương thì họ có trích một phần lương đó trả cho bạn không?
– Ngoài ra còn có dạng cò đi nhận việc ủy quyền nhưng không đủ năng lực để làm; những người không phải việc của họ mà chỉ là biết đến sự việc tranh chấp qua gia đình, hàng xóm, người thân hay thậm chí qua mạng nhưng cũng đi hỏi tư vấn vì tò mò; thậm chí biết được phương án thì đi nói lại với người cần nghe rồi tự nhận là mình giỏi. Nói chung là không tư vấn cho những người hỏi mà vụ việc chẳng phải của họ.
– Một số trường hợp nhờ luật sư tư vấn qua mạng rồi ghi âm hoặc chụp ảnh màn hình để đem đi cãi tay đôi với cơ quan công quyền rằng “này luật sư nói thế này đây này.” Thế là tự dưng lòng tốt bị lợi dụng và bạn dính vào một cuộc tranh cãi mà vốn chẳng liên quan gì đến mình. Con người VN trí tuệ chỉ ở mức trung bình nhưng độ khôn lỏi thì là hàng đầu thế giới; tuyệt đối phải cảnh giác đừng bao giờ để người khác lợi dụng kéo mình vào việc của họ mà không có lợi ích gì.
– Những trường hợp nhảm nhí, vặt vãnh không đáng để quan tâm nhưng cũng muốn đem ra pháp luật như bị nợ vài đồng tiền lương, chồng không đưa tiền, chửi nhau trên MXH …. thì tốt nhất đừng phí công tư vấn, cùng lắm chỉ giải thích cho họ hiểu là việc của họ rất bé không đáng để làm to ra.
– Không bao giờ tư vấn miễn phí những trường hợp thuộc phạm trù quan hệ kinh tế, thương mại.
2. Những trường hợp ngoại lệ nên tư vấn miễn phí:
– Những người yếu thế trong xã hội như những người cùng khổ, bị oan sai, bị chèn ép thì có thể xem xét giúp đỡ. Cần chú ý xem người hỏi có đúng là người yếu thế thật hay không? Nhiều người tự nhận mình là người nghèo nhưng lại nhờ tư vấn việc tranh chấp hợp đồng góp vốn đầu tư, mua bán bất động sản thì không tài nào nghe lọt tai được.
– Những người thể hiện thái độ nghiêm chỉnh, có vụ việc đáng làm, có ý định làm việc lâu dài với luật sư, là khách hàng tiềm năng cần chú ý.
– Những người có thể giúp đỡ bản thân mình vào một việc gì đó khi mình cần đến họ.
– Cũng nên tư vấn nếu như không được thu nhập mà lại có thể quảng bá hình ảnh bản thân hoặc công ty.
– Những người mà bản thân họ chính là người liên quan mật thiết đến vụ việc cần tư vấn.
– Tư vấn miễn phí khi vụ việc khiến bạn tò mò và có nhiều tình tiết đáng học hỏi, tham khảo.
Kết luận: Việc tư vấn miễn phí là hành động cao cả và xuất phát từ lòng tốt con người; nhưng đôi khi lòng tốt đấy biến chúng ta thành con lừa để thiên hạ lợi dụng. Dù có làm việc tốt thì cũng hãy xem xét cẩn thận.
LS TĐML nhóm Review
Was this helpful?
0 / 0