Giai đoạn khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 với tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm còn 2,9% từ mức 3,4% vào năm 2022; kéo theo lượng người không có việc làm đang ngày một gia tăng. Đối với những người còn giữ được việc làm; mức lương hiện tại khiến họ cảm thấy không thỏa đáng. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện tại; người lao động cần xem xét đến các yếu tố sau trước khi quyết định chuyển việc.
Giá trị của lòng trung thành
Hiện nay, quan điểm về vấn đề ứng tuyển vào một vị trí công việc có nhiều thay đổi so với thời gian trước. Nếu trước đó, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ xin – cho; người lao động phải làm đơn xin việc; thì hiện tại, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động tương tự như quan hệ mua bán. Và đúng theo câu nói “Thuận mua vừa bán”; quan hệ lao động hiện tại không còn đặt nặng việc nghỉ việc như trước.
Có thể thấy, không chỉ thế hệ trẻ mà người đã có thời gian làm việc lâu cũng có xu hướng nghỉ việc nhiều hơn khi cảm thấy công việc hiện tại không còn thích hợp với mình; mức lương hiện tại không phù hợp với năng lực mà bản thân đã có. Xu hướng nghỉ việc đem lại những tác động tích cực đến thế hệ trẻ hiện nay như:
– Bỏ phố về quê, phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống.
– Mở ra cơ hội thử sức với nhiều lĩnh vực mới; tự đa dạng hóa bản thân để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Cũng từ đó, các công ty đặt ra vấn đề chú trọng hơn vào chính sách phúc lợi của công ty để có thể giữ chân được người lao động.
Đi cùng những tác động tích cực; những tác động tiêu cực cũng xuất hiện:
– Ảo tưởng hóa về bản thân; cho rằng với năng lực hiện tại có thể dễ dàng tìm được việc làm với đãi ngộ tốt hơn tại một nơi khác.
– Xem nhẹ giá trị của việc gắn bó lâu dài với một công ty.
Trong khi đó, khi tuyển dụng cho một vị trí; nhà tuyển dụng thường đánh giá dựa trên nhiều năng lực như:
– Kinh nghiệm làm việc.
– Khả năng làm việc.
– Khả năng học hỏi, thích ứng, làm việc nhóm.
– Khả năng sử dụng công nghệ; ứng dụng công việc vào công việc.
– Tác phong làm việc.
– Sự gắn bó của ứng viên với các công ty trước.
Sự gắn bó của ứng viên với các công ty trước không phải là tiêu chí chính nhà tuyển dụng sử dụng để đánh giá ứng viên. Nhưng đó được coi là tiêu chí phụ mà nhà tuyển dụng sử dụng khi loại trừ những ứng viên cho một vị trí. Và trên thực tế, đa số các công ty muốn tìm một nhân sự gắn bó lâu năm với công ty hơn. Bởi:
– Một nhân sự gắn bó với công ty sẽ có nhiều thời gian tiếp cận với môi trường, văn hóa, cường độ làm việc của công ty. Hay nói cách khác, đây là sự “hiểu” về công ty.
– Từ việc có nhiều thời gian gắn bó với công ty hơn sẽ dễ dàng đưa ra những phương án gia tăng hiệu suất làm việc phù hợp với công ty.
– Một nhân sự gắn bó với công ty hạn chế tốn kém về chi phí tuyển dụng, đào tạo lại so với một nhân sự không gắn bó với công ty.
Vị trí công việc mới
Theo tiến trình làm việc của một cá nhân; ai cũng sẽ có tâm lí sự thăng tiến không chỉ được thể hiện thông qua thời gian làm việc tại công ty mà còn qua từng công việc được thể hiện trong CV. Từ đó, nhiều người sau khi nghỉ một công việc tại một công ty sẽ có xu hướng ứng tuyển vào một vị trí cao hơn tại công ty mới. Tuy nhiên, công ty thường có xu hướng bổ nhiệm những nhân sự cũ đã gắn bó lâu dài với công ty lên các vị trí này hơn là tuyển một nhân sự mới từ ngoài vào.
Chính vì vậy, thay vì ứng tuyển tại một vị trí cao hơn; bạn có thể thử ứng tuyển ở một vị trí tương tự vị trí cũ nhưng có nhiều cơ hội làm việc với những đầu việc khác so với vị trí cũ. Điều này sẽ góp phần tăng kinh nghiệm làm việc; sự cọ xát, va chạm của bạn với thị trường lao động. Từ đó mở ra cơ hội thăng tiến tại công ty mới.
Khả năng nâng cao năng lực tại vị trí mới
Đứng trước áp lực đồng trang lứa; áp lực từ những người thành công từ khi còn rất trẻ; nhiều người sinh ra tâm lí đem mức lương và cấp bậc ra so sánh độ thành công. Từ đó, tiêu chí khi chuyển việc của nhiều người sẽ là một vị trí tương đương với mức lương cao hơn hoặc một vị trí cao hơn.
Không ít trường hợp, những vị trí tương đương với mức lương cao hơn thường là ở một công ty nhỏ hơn. Mặc dù việc đánh giá năng lực của một ứng viên sẽ dựa vào việc phỏng vấn đánh giá của nhà tuyển dụng. Nhưng nhà tuyển dụng thường sẽ có tâm lí đánh đồng công ty bạn làm việc với năng lực của bạn. Và những công ty lớn thường được ưu tiên hơn so với nhưng công ty nhỏ chưa có danh tiếng. Vậy nên, một cơ hội mới đòi hỏi sự đánh đổi.
Lên kế hoạch dự phòng cho bản thân
Ít cá nhân có thể vừa bảo đảm công việc tại công ty; vừa đi tìm cơ hội việc làm mới cho mình. Vậy nên, người lao động thường sẽ chọn nghỉ việc tại công ty cũ trước khi bắt đầu tìm kiếm việc làm tại công ty mới.
Bên cạnh đó, kể cả trường hợp đã có việc mới; người lao động mới nghỉ việc tại công ty cũ thì trước đó, công việc mới vẫn có thời gian thử việc là 02 tháng. Sau 02 tháng thử việc; công ty mới mới có quyết định có tiếp tục ký hợp động lao động với người lao động hay không.
Vậy nên, để đảm bảo kế hoạch dự phòng cho bản thân trước khi quyết tâm chuyển việc; người lao động cần chuẩn bị quỹ dự phòng lương tối thiểu 06 tháng. Để đảm bảo trong vòng 06 tháng kể từ khi mất việc; bản thân vẫn có thể tiếp tục mục tiêu tìm kiếm một công việc mới.
Trên đây là những lưu ý về việc chuyển việc trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế là việc không một cá nhân, tổ chức nào mong muốn kể cả người lao động hay người sử dụng lao động. Và người lao động có quyền tìm kiếm một công việc mới phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, trước khi thay đổi một công việc; mỗi người nên đưa ra những cái được và mất khi lựa chọn thay đổi một công việc.
Was this helpful?
0 / 0