MÌNH ĐÃ THI ĐẠI DIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Mình tham dự kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp lần đầu năm 2019, và đã vượt qua cả 5 môn trong lần thi đầu tiên. Bài viết sau đây mình sẽ tổng hợp lại tóm tắt về kỳ thi này cộng với quá trình ôn tập của bản thân, để giúp các bạn có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bài viết cũng được đăng trên blog cá nhân tại dieulinhip.com, mời các bạn ghé thăm.

1. ĐIỀU KIỆN DỰ THI

– Có bằng tốt nghiệp đại học
– Đã làm việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ít nhất 5 năm liên tục => chứng minh bằng hợp đồng lao động và xác nhận của cơ quan bạn đã làm việc; hoặc
– Có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu công nghiệp (khóa này do Cục SHTT tổ chức, học trong vòng 6 tháng); hoặc
– Có khóa luận tốt nghiệp đại học về sở hữu trí tuệ => cái này các bạn xin xác nhận của trường đại học về đề tài khóa luận, nộp kèm với 1 bản sao khóa luận là được nhé.

2. THỜI GIAN DỰ THI

Hiện nay kỳ kiểm tra diễn ra 2 năm một lần, theo lịch là 2021 sẽ tổ chức, nhưng do tình hình dịch bệnh mình cũng chưa biết sẽ được tổ chức như thế nào. Dù Luật SHTT sắp tới có sửa đổi thế nào đi chăng nữa, nhưng việc ôn tập ngay từ bây giờ cũng giúp các bạn vừa phục vụ công việc, vừa sẵn sàng cho bất kỳ kỳ thi nào.

3. CÁC MÔN THI

Để được cấp chứng chỉ hành nghề thì bạn phải đạt ít nhất 5 điểm của mỗi môn thi, và phải vượt qua cả 5 môn thi sau đây:
– Pháp luật sở hữu công nghiệp (môn trượt nhiều nhất): kiểm tra các vấn đề pháp lý sở hữu công nghiệp về xác lập, thực thi và bảo vệ quyền (không bao gồm các nội dung làm, nộp, theo đuổi đơn đăng ký). Phần này thường đưa ra các tình huống cụ thể, sau đó mình vận dụng kiến thức pháp luật để giải quyết và xử lý
– Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý: kiểm tra về việc vận dụng kỹ năng làm đơn, nộp đơn, theo đuổi đơn Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Nhưng mình thấy các năm thì chỉ dẫn địa lý thường là câu hỏi 2 điểm thôi.
– Kiểu dáng công nghiệp: kiểm tra về việc vận dụng kỹ năng làm đơn, nộp đơn, theo đuổi đơn
– Sáng chế và thiết kế bố trí: kiểm tra về việc vận dụng kỹ năng làm đơn, nộp đơn, theo đuổi đơn sáng chế và thiết kế bố trí. Mảng thiết kế bố trí thường hỏi cơ bản, và chỉ chiếm khối lượng nhỏ (khoảng 2 điểm).
– Thông tin sở hữu công nghiệp: kỹ năng tra cứu thông tin, vận dụng thông tin

Mỗi môn thi sẽ là 180 phút, thang điểm 10, barem điểm chia nhỏ đến 0,125 nên khi thi phải viết cẩn thận để nhặt nhạnh từng ý có điểm, mới đạt đủ 5 điểm để vượt qua.

Kết quả thi được bảo lưu 2 lần, tức là bạn có tổng cộng 3 lần thi để vượt qua cả 5 môn. Ví dụ như thế này:

Năm 2017: bạn thi đỗ môn nhãn hiệu, và kiểu dáng công nghiệp.

Năm 2019: bạn chỉ cần thi 3 môn còn lại, kết quả của môn nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp được bảo lưu. Ở năm 2019 này bạn thi đỗ môn sáng chế và thông tin sở hữu công nghiệp.

Năm 2021: Bạn chỉ cần thi môn duy nhất là môn Pháp luật SHCN. Kết quả kỳ thi 2017 và 2019 được bảo lưu. Nếu bạn thi đỗ nốt môn pháp luật thì tức là bạn đã vượt qua cả 5 môn, và sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu bạn không đỗ thì bạn sẽ phải thi lại vào đợt tiếp theo.

Năm 2023: bạn sẽ phải thi lại môn nhãn hiệu và KDCN (do hết thời gian bảo lưu vì đã thi từ 2017), và được bảo lưu kết quả năm 2019.

Nôm na là bạn có 6 năm, 3 lần thi để vượt qua cả 5 môn.

4. CHUẨN BỊ

Mình được biết nhiều anh chị cũng đã làm rất nhiều năm trong nghề và rất giỏi, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua môn pháp luật. Đương nhiên kiến thức là quan trọng nhất, nhưng cách viết, cách trình bày đóng vai trò quan trọng để mình không bị rơi rụng điểm. Vì barem điểm chấm chi tiết đến 0,125 nên mỗi một ý viết ra đều quý giá cả. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà mình đã chuẩn bị trước khoảng 6 tháng trước khi thi.

4.1. XÁC ĐỊNH TRỌNG TÂM THI

– Không thi về phần thương mại hóa tài sản trí tuệ, nôm na là các phần về chuyển giao công nghệ, khai thác thương mại sở hữu trí tuệ.

Bạn phải xác định phần nào bạn đã chắc để tập trung không mất điểm phần đó, các môn khác có thời gian thì nghiên cứu và bổ sung sau.

– Các phần thường chiếm ít điểm: ví dụ: phần về CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,….

4.2. GIẢM THỜI GIAN TRA CỨU LUẬT

Khi đi thi Cục SHTT sẽ chuẩn bị toàn bộ văn bản pháp luật cho từng thí sinh, nhưng vấn đề tra cứu điều luật thực sự rất mất thời gian. Có khi điều luật ngay trước mắt mình mà mình còn tìm mãi không ra, trong khi thời gian có hạn. Mình thì hay tra từ khóa trên file mềm ở máy tính quen rồi, nên tra văn bản giấy thực sự rất lâu. Để chuẩn bị việc này thì mình đã in văn bản giấy và tra tay dần cho quen trong quá trình làm việc, đi thi sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều và không bị cuống.

Để có tư duy nhanh về toàn bộ điều luật, thì tốt nhất các bạn lập chỉ mục (kiểu cây sơ đồ tư duy), để có thể nắm khái quát toàn bộ luật, tra cứu sẽ nhanh hơn vì biết nó ở khoảng nào.

Cục cũng không cho phép đánh dấu hay bôi màu vào tài liệu được phát, nên các bạn chuẩn bị ít giấy note màu, để tiện đánh dấu trong khi thi.

4.3. LẬP TEAM HỌC NHÓM

Nếu có thể, hãy lập team 3-5 người học nhóm. Mình có lập team học khoảng 2 tháng trước khi thi CHỈ CHO MÔN pháp luật, nhưng không đủ thời gian ôn tập nên nhiều phần cũng bỏ sót chưa động đến, nhất là phần quy định về thực thi. Nhóm mình học 2 buổi 1 tuần, vừa chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, vừa đào sâu các vấn đề. Hiện giờ nhóm mình vẫn duy trì được 1 tuần 1 buổi gặp nhau (trừ đợt dịch và giãn cách).

Việc học nhóm giúp bạn vỡ ra nhiều điều lầm tưởng trước đây do làm việc theo thói quen và sự hướng dẫn của các anh/chị đi trước, đồng thời củng cố khả năng phản biện và nhìn nhận lại vấn đề rất nhanh, nhớ rất lâu, và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong nghề mà không có sách vở nào ghi ra được.

4.4. NGHIÊN CỨU ĐÁP ÁN

Mình thường lấy đề và đáp án được công bố hàng năm để xem kỹ cách chấm điểm (không quá quan trọng về nội dung), để quen với cách lập luận/làm bài sao cho dễ đạt điểm theo barem nhất. Một đề các năm mình thường tự viết lại 02 lần nữa đến khi tự chấm đủ ý theo barem điểm thì thôi. Nhiều thứ mình cứ nghĩ nó hiển nhiên rồi nên không viết vào, thế là mất nhiều điểm. Lần đầu mình làm bài tập ở khóa học chuyên sâu của Cục SHTT, câu 2 điểm thì mình chỉ đạt 0,75 điểm, như thế thì không thể nào thi qua được. Đọc barem thì hiểu hết vấn đề, cũng đúng với định hướng làm của mình nhưng không hiểu sao điểm vẫn thấp. Chỉ có khi tự viết ra đến 2-3 lần cùng 1 đề, mình mới thấy mình thiếu nhiều ý quan trọng như thế nào.

Với cách luyện tập như thế này, thì mình đã làm bài thi chi tiết, đầy đủ nhất có thể. Cốt lõi của việc làm bài thi môn pháp luật là phải đặt mình là khách hàng chưa biết gì về SHTT. Đề thi luôn có câu: “nếu là người đại diện SHCN cho bên A, anh/chị sẽ tư vấn như thế nào”, nên mình trả lời phải nêu có đầu cuối, căn cứ rõ ràng. Quá trình làm bài thi thì mình giải thích từ quy định chung nhất (thường là hiển nhiên anh em trong nghề ai cũng biết, nhưng nếu không nêu thường bị mất điểm), ví dụ như từ định nghĩa, điều kiện bảo hộ, sau đó mới đến phân tích giải quyết vấn đề.

4.5. NGHIÊN CỨU ĐỀ BÀI

Trước hết mình nên gạch ra outline các dữ liệu. Hầu hết các dữ liệu về ngày tháng trong đề kiểm tra đều có ý nghĩa => đi thi mình cũng bị bỏ sót dữ liệu này nên bị làm sai 1 câu. Tốt nhất mọi người ghi outline các dữ kiện ra nháp, rồi làm sẽ đỡ sót.

Nếu đề bài hỏi tính hợp pháp: xác định các quy định của pháp luật xem đã ok chưa, thì thường trong đề có 1, 2 quyết định/thông báo thì phân tích từng cái một. Trả lời YES/NO trước rồi phân tích sau để có điểm.

Nếu đề bài hỏi tính hợp lý: dựa trên tính hợp pháp để sửa đổi/đề xuất các giải pháp (chính là khắc phục các điểm sai

Quan trọng: ĐỌC HẾT ĐỀ 1 LƯỢT rồi xem câu nào dễ làm trước. Thường câu dài sẽ dễ hơn là câu ngắn.

4.6. HỌC CÁC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC TRƯỚC KHI THI

Bạn nên đi học các lớp Cục tổ chức trước khi thi để có thêm tips và hệ thống lại kiến thức (thầy cô nói mỗi thứ 1 tí trong quá trình dạy). Các tips này rất quan trọng và giúp mình nhìn lại chỗ nào mình còn chưa chắc chắn, để về ôn tập thêm.

Mỗi môn sẽ được hệ thống kiến thức trong 1 buổi, nhưng quý giá nhất là cách trình bày, làm bài, các lỗi sai hay gặp mà thầy/cô chia sẻ để mình tránh trong quá trình làm bài thi.

4.7. LUYỆN VIẾT VÀ TRÌNH BÀY

Mình đã phải đầu tư mua giấy thi về luyện viết trước khi thi, vì đánh máy quen rồi lâu không viết, đi thi viết nhiều tay mỏi thì đầu không nghĩ được gì nữa cả. Hơn nữa, mình cũng viết quen giấy thi cũng đỡ hơn, rồi nhìn lại toàn bộ bài trình bày của mình cũng sẽ cảm thấy đã đủ rõ ràng, mạch lạc chưa.

Nên viết cách lề trái khoảng 1.5-2 cm để cho người chấm có chỗ ghi điểm, mình muốn viết thêm gì còn có chỗ. Mỗi ý lớn cứ enter cách dòng ra cho thoáng bài thi, dễ rà soát ý, mình cũng giảm rủi ro bị tính sót điểm do mỗi ý có 0.125.

4.8. CÁCH NÊU CĂN CỨ PHÁP LUẬT

– Nêu đủ căn cứ pháp luật mới có đủ điểm (Nêu Luật trước, Nghị định, Thông tư sau)
– Nếu Luật, nghị định, thông tư có nội dung giống nhau: chỉ cần trích dẫn 1 căn cứ là có điểm
– Nếu các văn bản không bao trùm nhau: thì phải nêu đủ căn cứ. (ví dụ Điều 124 Luật cần trích dẫn thêm NĐ 103)
– Trích dẫn Luật: Luật SHTT, Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Thông tư 01/2007/NĐ-CP (sửa đổi bằng TT 16….), nên nêu đầy đủ lần đầu, rồi ghi sau đây gọi là “Nghị định 103/2006/NĐ-CP” (tránh chỉ ghi Nghị định 103).

Đây là kinh nghiệm sơ sơ mình đã note lại và tổng hợp được trong quá trình ôn tập cho vụ thi đại diện này; cũng là cả những chia sẻ của cá nhân mình trong quá trình thực tế ôn thi nữa. Hi vọng sẽ hữu ích cho mọi người ôn thi ở các kỳ tiếp theo và tìm ra cách ôn thi phù hợp với mình.

Cảm ơn mọi người đã đọc bài rất dài này.

Chia sẻ của Diệu Linh trên Cộng đồng SHTT

Was this helpful?

7 / 0