MA. là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mergers (sáp nhập) và Accquisitions (Mua lại).

MA. Dự án hiểu đơn giản là hoạt động đầu tư thông qua mua bán sáp nhập Doanh nghiệp/hoặc chuyển nhượng Dự án đầu tư để nắm quyền quản lý dự án đối với Nhà đầu tư.

Đa số nhìn hoạt động mua bán dự án rất khó hiểu, coi như một món ăn xa xỉ và khó tiếp cận. Làm thế nào để một món ăn xa xỉ, trở thành một món ăn bình dân mà ai cũng có thể tiếp cận theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hướng tới những người làm nghiệp vụ liên quan đến MA. dự án đầu tư dần chuyên nghiệp hóa và tinh thông nghiệp vụ.

Một Nhà đầu tư (pháp nhân) bất kỳ có 1 Dự án bất kỳ, khi một Nhà đầu tư khác muốn dành quyền quản lý dự án với tính chất của Tổ hợp theo toán học chỉ có thể cho 2 kết quả là Mua lại pháp nhân hoặc Mua lại Dự án.

I-MUA LẠI PHÁP NHÂN:

Mua lại pháp nhân nhìn nhận theo Luật doanh nghiệp 2020 bản chất quan hệ pháp luật là điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể là thực hiện thủ tục hành chính: “Đăng ký thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp (đối với công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)” thủ tục số thứ tự số 10 tại Phần II thuộc Phụ lục số I kèm theo Quyết định số 885 /QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tất cả công việc còn lại là chuẩn bị Hồ sơ để thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật tại Quyết định số 885/QĐ-BKHĐT.

II-MUA LẠI DỰ ÁN:

Mua lại dự án thông qua quan hệ pháp luật chuyển nhượng 1 phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư 2020, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai, Luật nhà ở và các quy định pháp luật có liên quan.

Tùy theo quan hệ pháp luật lúc chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà dự án có thể thực hiện thủ tục theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hoặc Nghị định số 02/2022/NĐ-CP. Căn cứ Khoản 4 Điều 48 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP đối với dự án kinh doanh bất động sản không thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư thì sẽ thực hiện theo Mục số 3 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Trường hợp điều chỉnh dự án theo Điều 48 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP thì Nhà đầu tư có thể thực hiện điều chỉnh dự án theo một trong các thủ tục có số thứ tự 03 hoặc 06 hoặc 08 tại Phụ lục I theo Quyết định số 701/QĐ-KHĐT ngày 02/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

MA. dự án có hai hình thức cơ bản là Mua lại pháp nhân hoặc Mua lại Dự án. Việc mua lại pháp nhân dễ thực hiện hơn nên các Nhà đầu tư thường áp dụng linh hoạt quan hệ pháp luật để quy về trường hợp số 1 là Mua lại pháp nhân.

Dưới đây là hai trường hợp mua lại pháp nhân phổ biến hay làm và dễ thực hiện.

III-MUA LẠI PHÁP NHÂN THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN BẰNG CÁCH THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MTV

Nhà đầu tư là Tập đoàn A đang thực hiện 1 Dự án đầu tư A. Do trông thấy kỳ vọng giao dịch bán Dự án đầu tư A cho Nhà đầu tư B mang lại lợi nhuận cao. Dự án thuộc hạn mức chấp thuận giao dịch của Hội đồng quản trị nhưng Hội đồng quản trị họp ban hành Nghị quyết đồng ý bán dự án nhưng không đồng ý theo hướng chuyển nhượng toàn bộ dự án (bán toàn bộ dự án) và cũng không đồng ý bán pháp nhân là Tập đoàn A.

Hướng giải quyết:

Bước 1: Tập đoàn A thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV X;

Bước 2: Tập đoàn A điều chỉnh thay đổi tên Nhà đầu tư: “Tập đoàn A” sang Doanh nghiệp dự án “Công ty TNHH MTV X” tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án đầu tư A.

Bước 3: Tập đoàn A thực hiện mua bán Doanh nghiệp dự án “Công ty TNHH MTV X” bằng việc thực hiện thủ tục “Đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” theo thủ tục có số thứ tự số 12 tại Phần II thuộc Phụ lục số I kèm theo Quyết định số 885 /QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

IV-MUA LẠI PHÁP NHÂN THÔNG QUA ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN BẰNG CÁCH TÁCH DOANH NGHIỆP

Cũng ví dụ nêu trên, Nhà đầu tư là Tập đoàn A đang thực hiện 1 Dự án đầu tư A. Do trông thấy kỳ vọng giao dịch bán Dự án đầu tư A cho Nhà đầu tư B mang lại lợi nhuận cao. Dự án thuộc hạn mức chấp thuận giao dịch của Hội đồng quản trị nhưng Hội đồng quản trị họp ban hành Nghị quyết đồng ý bán dự án nhưng không đồng ý theo hướng chuyển nhượng toàn bộ dự án (bán toàn bộ dự án) và cũng không đồng ý bán pháp nhân là Tập đoàn A, cũng không đồng ý theo hướng thành lập Doanh nghiệp dự án.

Hướng giải quyết:

Bước 1: Tập đoàn A tách thành Tập đoàn A và Công ty TNHH MTV X. Nên cần thực hiện hai thủ tục hành chính theo Quyết định số 885 /QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

+ “Đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở tách công ty” đối với Tập đoàn A;

+“Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với công ty bị tách” đối với Công ty TNHH MTV X

Các bước còn lại tương tự ví dụ nêu trên.

Bước 2: Tập đoàn A điều chỉnh Dự án theo trường hợp tách Doanh nghiệp bằng cách thay đổi tên Nhà đầu tư: “Tập đoàn A” sang Doanh nghiệp bị tách “Công ty TNHH MTV X” tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án đầu tư A.

Bước 3: Tập đoàn A thực hiện mua bán Doanh nghiệp bị tách là Công ty TNHH MTV X bằng việc thực hiện thủ tục “Đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” theo thủ tục có số thứ tự số 12 tại Phần II thuộc Phụ lục số I kèm theo Quyết định số 885/QĐ-BKHĐT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

LƯU Ý:

Nhà đầu tư nước ngoài chiếm quá 50% Vốn điều lệ theo Luật đầu tư phải có Văn bản chấp thuận của cơ quan đăng ký đầu tư bằng việc ban hành “Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài”. Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với Nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải thực hiện trước khi tiến hành thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Was this helpful?

0 / 0