Pháo hoa là gì?
Điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Theo đó, pháo hoa được hiểu là sản phẩm khi bị tác động tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây tiếng nổ. Bên cạnh pháo hoa, pháo hoa nổ cũng là một loại pháo được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các sự kiện đặc biệt trong năm. Tuy nhiên, pháo hoa nổ thuộc loại pháo nổ, khi bị tác động sẽ tạo ra tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa và pháo hoa nổ đều là hai loại pháo được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, pháo hoa là hàng hóa được phép lưu hành, người dân có thể sử dụng được, còn pháo nổ là hàng hóa cấm lưu hành và chỉ được sử dụng dưới sự quản lý chặt chẽ của Bộ Quốc phòng.
Thế nào là hành vi mua bán pháo hoa trái phép?
Theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh pháo hoa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hay nói cách khác, để kinh doanh pháo hoa cần phải có giấy phép. Như vậy, kinh doanh pháo hoa trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh pháo hoa khi chưa được cấp Giấy phép kinh doanh pháo hoa.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh pháo hoa như sau:
Điều 14. Điều kiện nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa
2. Việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
b) Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
c) Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
d) Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Tổ chức, doanh nghiệp được kinh doanh pháo hoa là các doanh nghiệp thuộc bộ Quốc phòng đáp ứng đủ các điều kiện về kho, bãi, quản lý và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với pháo hoa. Hay nói cách khác, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Như vậy, tổ chức, cá nhân khác kinh doanh pháo hoa chính là hành vi mua bán pháo hoa trái phép.
Xử phạt đối với hành vi mua bán pháo hoa trái phép
Do pháo hoa là mặt hàng được phép lưu hành trong lãnh thổ Việt Nam nên việc kinh doanh pháo hoa trái phép không bị xử lý hình sự do kinh doanh mặt hàng cấm lưu hành. Tuy nhiên, việc mua bán pháo hoa trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người mua sử dụng pháo hoa trái phép cũng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Was this helpful?
0 / 0