Trong bối cảnh hiệu ứng El Nino quay trở lại khiến thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên và liên tục khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại về sản lượng gạo xuất khẩu, hướng tới đảm bảo lương thực cho người dân trong nước trước, sau đó mới xuất khẩu. Mới đây, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo và thông tin sản lượng gạo của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng do lũ lụt kéo dài, giá gạo Việt Nam theo đó tăng lên. Đây được xem là cơ hội mới cho việc xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về sản lượng gạo, Việt Nam phải đối mặt với thách thức mới về việc bình ổn giá gạo trong nước và đảm bảo xuất khẩu, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ, tạo tình trạng khan hiếm gạo giả trong khi sản lượng đủ để phục vụ cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đặt ra câu hỏi việc đầu cơ tích trữ như vậy có vi phạm pháp luật không?

Hành vi đầu cơ tích trữ được quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, hành vi đầu cơ tích trữ được hiểu là lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính. Theo đó, để xác định hành vi mua vét, tích trữ gạo có phải hành vi đầu cơ tích trữ hay không cần xác định những yếu tố sau:
– Gạo có thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá không?
– Tình hình hiện nay có phải là tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế không?
– Hành vi mua gạo có thỏa mãn đủ các yếu tố:
+ Mua vét.
+ Lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo.
+ Nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Theo đó, gạo thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá theo quy định tại Phụ lục số 01 Luật Giá năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay có thể xác định là tình hình khó khăn về kinh tế do khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Hành vi mua gạo của các thương nhân nhìn từ hiện tại có thể thấy đang mua rất nhiều gạo, đây được xem là hành vi mua vét vì không thiếu trường hợp mua cả gạo người nông dân đã ký hợp đồng với doanh nghiệp trước đó. Bên cạnh đó, hành vi mua vét gạo của nhiều thương nhân với giá cao khiến cho người dân lầm tưởng gạo đang là hàng hóa khan hiếm, dẫn đến người dân đổ xô đi mua gạo về tích trữ. Khi lượng gạo ngoài thị trường ít đi, giá gạo sẽ tăng lên, khi đó, thương nhân sẽ bán gạo đã tích trữ với giá cao. Vậy nên, có thể xác định hành vi mua vét, tích trữ gạo là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi mua vét, tích trữ gạo có thể bị xử phạt hành chính như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đế 10.000.000 đồng đối với: hàng hóa trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với: hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với: hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với : hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với: hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, hành vi mua vét, tích trữ gạo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ:
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp: hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trong trường hợp: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong trường hợp: hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Was this helpful?

0 / 0