Thẻ CCCD hiện nay đang được thực hiện chuyển đổi sang thẻ CCCD gắn chip với tiện ích mới: chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm trên điện thoại quét mã QR trên CCCD sẽ có được thông tin của chủ CCCD.
Chiều 22/6, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận trên hội trường về dự án Luật Căn cước. Trước đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của Đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.
Liên quan đến quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Chính phủ cho biết, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí và khẳng định đây là quy định tiến bộ, tạo thuận lợi cho người dân, giúp cải cách hành chính.
Theo đó, app VNeID sẽ là app được sử dụng để cập nhật thông tin của chủ thẻ CCCD. Điều này được cho là tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân khi thông tin cá nhân của người dân thay đổi; chỉ cần thực hiện thay đổi trên app VNeID và khi quét mã, thông tin hiện ra sẽ là thông tin được cập nhật mới nhất.
Chính phủ cho biết, ngoài 5 loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước (Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn), dự thảo Luật cũng quy định giao Thủ tướng quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác vào thẻ căn cước để bảo đảm khả thi.
Việc tích hợp Thẻ bảo hiểm y tế, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đây cũng là việc đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Từ thực tế ở Việt Nam, Chính phủ nhận định việc triển khai thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước hoàn toàn có tính khả thi và tương đồng với nhiều nước trên thế giới.
Như vậy, năm loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào CCCD bao gồm:
– Thẻ bảo hiểm y tế.
– Sổ bảo hiểm xã hội.
– Giấy phép lái xe.
– Giấy khai sinh.
– Giấy chứng nhận kết hôn.
Việc tích hợp các loại giấy tờ trên vào CCCD sẽ thực hiện dựa trên cơ sở cập nhập thông tin những loại giấy tờ trên vào app VNeID.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cân nhắc về việc thẻ CCCD gắn chip cho trẻ dưới 14 tuổi. Do trẻ em dưới 14 tuổi không cần thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính. Hơn nữa những thủ tục hành chính hướng tới đối tượng trẻ em dưới 14 tuổi đều có thể thực hiện qua người đại diện, người giám hộ. Vậy nên, việc không làm thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ tiết kiệm được chi phí cho người dân.
Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, mặc dù trẻ dưới 14 tuổi không thực hiện nhiều thủ tục hành chính nhưng việc tích hợp cả bảo hiểm y tế, giấy khai sinh sẽ thuận tiện hơn cho trẻ trong việc đi khám sức khỏe và nhiều tiện ích khác. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước khác như Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cũng đang cấp hộ chiếu cho trẻ dưới 14 tuổi. Vậy nên, việc cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi là khả thi. Bên cạnh đó, số lượng trẻ dưới 14 tuổi tại Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 20 triệu trẻ. Việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi tạo sự thuận tiện hơn rất nhiều trong việc quản lý dân số.
Was this helpful?
0 / 0