Các ngành nghề nên thành lập công ty hợp danh
Mặc dù cá nhân, tổ chức có thể tự lựa chọn loại hình doanh nghiệp mà mình muốn thành lập nhưng với một số ngành nghề cụ thể, cá nhân, tổ chức chỉ được thành lập công ty hợp danh. Cụ thể:
Công ty đấu giá
Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định:
Điều 23. Doanh nghiệp đấu giá tài sản
1. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Công ty luật
Khoản 1 Điều 34 Luật Luật sư năm 2006 quy định:
Điều 34. Công ty luật
1. Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.
Như vậy, công ty luật chỉ được thành lập theo hai loại hình: công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, do công ty luật khác hoàn toàn so với các loại hình công ty theo quy định của luật doanh nghiệp nên sẽ có những yêu cầu cụ thể:
– Đối với công ty luật theo loại hình công ty hợp danh:
+ Trong tên bắt buộc phải có cụm từ “Công ty luật hợp danh”.
+ Công ty luật hợp danh do ít nhất 02 luật sư thành lập.
+ Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.
– Đối với công ty luật theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn:
+ Trong tên bắt buộc phải có cụm từ “Công ty luật trách nhiệm hữu hạn”.
+ Giám đốc công ty luật phải là luật sư và là luật sư thành lập công ty.
Văn phòng công chứng
Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau:
Điều 22. Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
4. Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.
Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
5. Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Văn phòng công chứng chỉ được thành lập theo loại hình công ty hợp danh. Bên cạnh đó, văn phòng công chứng còn có các yêu cầu sau:
– Văn phòng công chứng do ít nhất 02 công chứng viên thành lập. Công chứng viên được xác định là thành viên hợp danh, gọi là công chứng viên hợp danh.
– Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
– Người đại diện theo pháp luật của văn phòng công chứng phải là Trưởng văn phòng công chứng. Trưởng văn phòng công chứng là công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng, kinh nghiệm từ 02 năm trở lên.
– Tên gọi văn phòng công chứng đặt theo cấu trúc: Văn phòng công chứng + họ tên của trưởng văn phòng công chứng/họ tên của công chứng viên hợp danh.
Văn phòng thừa phát lại
Khoản 1, 2, 3 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 17. Văn phòng Thừa phát lại
1. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
2. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phân tên riêng liên sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.
Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.
Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Tương tự với công ty luật, văn phòng thừa phát lại thành lập và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh với những yêu cầu cụ thể như sau:
– Người đại diện văn phòng thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.
Doanh nghiệp quản lý, thành lý tài sản
Điều 13 Luật Phá sản năm 2014 quy định như sau:
Điều 13. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
1. Các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản:
a) Công ty hợp danh;
b) Doanh nghiệp tư nhân.
2. Điều kiện để doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản:
a) Công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên;
b) Doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là Giám đốc.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Theo đó, doanh nghiệp quản lý tài sản cũng sẽ hoạt động theo 02 hình thức: công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
Điều 59 Luật Kế toán năm 2015 quy định:
Điều 59. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình sau đây:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
b) Công ty hợp danh;
c) Doanh nghiệp tư nhân.
2. Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
4. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
a) Góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;
b) Thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài;
c) Cung cấp dịch vụ qua biên giới theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán sẽ hoạt động theo hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là những ngành nghề mà pháp luật quy định phải hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh. Bên cạnh những ngành, nghề trên, sẽ còn có nhiều ngành nghề khác mà chúng tôi chưa thể thống kê hết được. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, trước khi thành lập những công ty các bạn nên kiểm tra những loại hình công ty được phép thành lập với ngành, nghề đó trước.
Was this helpful?
0 / 0