Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy; người đại diện theo pháp luật được hiểu là người thay mặt doanh nghiệp tham gia các quan hệ pháp luật doanh nghiệp không thể tham gia được.

Yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật

Pháp luật Việt Nam quy định 04 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân; công ty hợp danh; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần. Mỗi doanh nghiệp phải đảm bảo:
– Mỗi doanh nghiệp có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật.
+ Doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân.
+ Công ty hợp danh: thành viên hợp danh.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần: người đại diện theo pháp luật quy định trong Điều lệ công ty.
– Doanh nghiệp đảm bảo có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trong đó; một cá nhân được xác định là đang cư trú tại Việt Nam khi cá nhân đó đang thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

Người nước ngoài có được làm người đại diện theo pháp luật

Người nước ngoài có thể làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp Việt Nam do:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định người đại diện theo pháp luật là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp; không quy định người đại diện theo pháp luật phải là công dân Việt Nam. Vậy nên, người nước ngoài có thể làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Vậy nên, người nước ngoài ngoài có thể làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp Việt Nam nếu người nước ngoài đó thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

Như vậy, người nước ngoài có thể làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đăng ký người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật như thế nào?

Việc đăng ký người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật có thể thực hiện khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp chỉ yêu cầu bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người đại diện theo pháp luật. Mà Điều 11 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 11. Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
1. Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
2. Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Tuy nhiên, giấy tờ pháp lý cá nhân của người nước ngoài như hộ chiếu và giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu không có giá trị chứng minh người nước ngoài đó hiện đang cư trú tại Việt Nam. Như vậy, khi đăng ký người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật; doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị vướng hồ sơ do không có căn cứ chứng minh người nước ngoài đó có cư trú tại Việt Nam hay không. Giấy tờ có giá trị chứng minh một người hiện đang cư trú tại Việt Nam là Giấy xác nhận cư trú do công an quản lý khu vực cấp. Nhưng nếu sử dụng giấy xác nhận cư trú thay cho giấy tờ pháp lý cá nhân hoặc thêm vào hồ sơ thì hồ sơ sẽ sai về mặt thành phần; không được tiếp nhận. Về mặt bản chất; cán bộ phòng đăng ký kinh doanh cũng không được yêu cầu thêm giấy xác nhận cư trú để chứng minh người nước ngoài đó hiện đang cư trú tại Việt Nam. Trong trường hợp này; doanh nghiệp có thể xử lý theo các hướng sau:

– Hướng thứ nhất: trong trường hợp doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; doanh nghiệp chỉ cần đăng ký thêm 01 người đại diện theo pháp luật là người Việt Nam.
– Hướng thứ hai: liên hệ trực tiếp với cán bộ phòng đăng ký kinh doanh; cung cấp riêng cho cán bộ giấy tờ phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu do không thể bổ sung giấy tờ ngoài quy định vào hồ sơ doanh nghiệp.
– Hướng thứ 3: gửi công văn trả lời cho phòng đăng ký kinh doanh. Bởi về mặt bản chất nếu phòng đăng ký kinh doanh muốn trả hồ sơ sẽ phải đưa ra lý do hồ sơ chưa hợp lệ. Và trong trường hợp này, phòng đăng ký kinh doanh phải tự xác minh với công an về thông tin cư trú của người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài.

Công ty hợp danh có cần người đại diện theo pháp luật không?

Về bản chất, tất cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh đều là người đại diện theo pháp luật. Vậy nên, công ty hợp danh không cần quy định về người đại diện theo pháp luật.

Người nước ngoài có được là thành viên hợp danh của công ty hợp danh không?

Người nước ngoài có thể làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Tuy nhiên, tương tự như người đại diện theo pháp luật; công ty hợp danh cũng cần phải có ít nhất 01 thành viên hợp danh cư trú tại Việt Nam.

Was this helpful?

0 / 0