Người nước ngoài có được sở hữu nhà tại Việt Nam không?

Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014

Điều 159. Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014

Điều 75. Khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.

Khoản 1, 2 Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP

Như vậy, người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng việc sở hữu nhà ở phải đảm bảo 03 điều kiện:
– Nhà ở là nhà ở thương mại.
– Nhà ở có được thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế.
– Nhà ở phải không nằm trong các khu vực được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định là các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Người nước ngoài có được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam không?

Tại Việt Nam không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở riêng. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sẽ đi kèm với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người đó phải là người có quyền sử dụng đất. Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa người sử dụng đất như sau:

Điều 5. Người sử dụng đất
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Vậy nên, người nước ngoài không được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Việt Nam.

Người nước ngoài chỉ được mua nhà đáp ứng những điều kiện nào?

Như đã trình bày ở trên, người nước ngoài chỉ được mua nhà với các điều kiện sau:
– Nhà ở là nhà ở thương mại.
– Nhà ở có được thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế.
– Nhà ở phải không nằm trong các khu vực được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định là các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trong đó:
Thứ nhất, nhà ở là nhà ở thương mại. Mặc dù người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng chỉ được sở hữu nhà ở thương mại. Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường. Nhà ở thương mại khi được xây nên sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở riêng. Nhưng quyền sở hữu nhà ở này sẽ thuộc về chủ đầu tư. Còn quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ được thể hiện trên hợp đồng mua bán.
Thứ hai, nhà ở có được thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế. Các giao dịch liên quan đến nhà ở bao gồm: mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở. Và người nước ngoài chỉ được hưởng quyền sở hữu nhà ở qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho và nhận thừa kế.
Thứ ba, nhà ở không nằm trong các khu vực được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định là các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Giao dịch liên quan đến nhà ở người nước ngoài có thể thực hiện

Các giao dịch liên quan đến nhà ở người nước ngoài có thể thực hiện bao gồm:
– Ủy quyền quản lý nhà ở.
– Thuê nhà và cho thuê nhà.
– Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại.
– Mua, bán hoặc tặng cho nhà ở.
– Thuê mua nhà ở.
– Thừa kế nhà ở.
– Góp vốn, đổi nhà.
– Thế chấp nhà ở.
– Cho mượn, cho ở nhờ.

Như vậy, người nước ngoài hoàn toàn có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ không được thể hiện trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mà được thể hiện qua hợp đồng mua bán.

Was this helpful?

0 / 0