Người nước ngoài có được tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam

Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Như vậy, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam khi đáp ứng những yêu cầu sau:
– Có giấy phép lao động/chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Có hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
– Không thuộc các trường hợp sau:
+ Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
+ Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Các chế độ bảo hiểm xã hội dành cho người nước ngoài tại Việt Nam

Điều 5. Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
2. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này tính trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định này.

Như vậy, người nước ngoài khi tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc tương tự như người Việt Nam khi tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm: chế độ ốm đau; chế độ thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Trong đó, điều kiện hưởng, mức hưởng và thời gian hưởng các chế độ này tương tự như người Việt Nam.

Mức đóng bảo hiểm xã hội của người nước ngoài được tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam

Bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài tương tự như bảo hiểm xã hội đối với người Việt Nam. Điều 12 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 12. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội dành cho người nước ngoài tại Việt Nam là 8% lương tháng theo mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Mức đóng này sẽ được phân vào quỹ hữu trí và tử tuất.

Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam của người nước ngoài

– Hồ sơ cần có:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội (Mẫu TK1-TS).

Việc tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam sẽ do người sử dụng lao động thực hiện thay cho người lao động. Người lao động chỉ cần nộp tờ khai cho người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 97 và điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Điều 99. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
1. Việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

Was this helpful?

0 / 0