Ngày 12.4 …

Em Oanh gọi điện rủ sắp tới về dự cái lễ đón đoàn bên Úc về tòa Hằng Xái, thực ra chuyện này Hoàng đã kể chi tiết tường tận sự vụ cách đây mấy hôm rồi, nhưng cũng giả vờ hỏi xem có sự kiện động trời gì mà Úc nó lại về Hằng Xái.

Thì là có trường đại học ở Úc đang làm một dự án pháp lý ở Việt Nam, thông qua Bộ ngoại giao và Tòa ở trên, người Úc muốn về làm việc với một tòa địa phương miền núi để khảo sát về khả năng tiếp cận công lý của những người yếu thế, qua đó có tài trợ cho tòa một ít cơ sở vật chất. Đưa về tỉnh, tỉnh họp lại bàn nên đưa về huyện nào. Trước ngày họp, em Oanh đang ở trong phòng riêng với sếp nói anh ơi không có Tòa nào xứng đáng hơn Hằng Xái. Để em nói anh nghe nè, Hằng Xái miền núi xa nhất, các bản án, câu chuyện đơn giản lắm anh, chẳng có án an ninh chính trị gì để ngại với nước ngoài, tiếp cận công lý Hằng Xái cũng đơn giản. Nếu đoàn về Hằng Xái, lại có chị Nga giỏi ngoại ngữ nói chuyện với đoàn, chứ cả tỉnh mình có ai biết tiếng Anh đâu. Với lại, về Hằng Xái anh lên với em. Vừa nói Oanh vừa tiến đến bên sếp, chen ngồi lên đùi sếp đang ngồi ở bàn làm việc, ỏng ẹo hôn lên trán sếp như hôn em bé. Sếp vừa ghì lấy Oanh vừa thì thầm mai họp cưng cứ ngồi im không nói gì, để anh tính, thương nào …

Sáng hôm sau, họp lãnh đạo chủ chốt, sếp trưởng bảo đề nghị các đồng chí đề xuất một tòa cấp huyện để đoàn của Úc về tài trợ. Nhưng trước khi ta đề xuất, thì tôi có ý kiến thế này, chúng ta nên xem quận, huyện nào nghèo hàng đầu, địa hình xa hôi cách trở, các án đơn giản đừng phức tạp gì cả, với lại tôi cũng chưa thấy chánh văn phòng xem đón tiếp họ rồi ai phiên dịch tiếng Anh, phải người của Tòa nào đó, chứ đi thuê nó nhục, cả tỉnh chẳng nhẽ không ai biết tiếng Anh, các anh đã tìm hiểu chưa. Đấy, các đồng chí xem xem, sao cho phù hợp để đề xuất là phải hợp lý.

Mọi người to nhỏ rồi thì phó chánh án nói chỉ có Hằng Xái là có thẩm phán Nga nói được tiếng Anh, nhưng Hằng Xái xa nhất nhưng có thể chưa nghèo nhất, có hai huyện còn nghèo hơn, nhưng so với thành phố thì có gần hơn chục cây số, nếu mà chọn huyện khác thì có thể mời thẩm phán Nga sang để phiên dịch cho cuộc họp, nhưng như thế cũng bất tiện, tôi đề xuất nên chọn Hằng Xái.

Mọi người đều ủng hộ đề xuất của phó chánh án thì tôi chốt lại là Hằng Xái sẽ tiếp đón đoàn Úc đợt này các đồng chí nhá. Chúng ta cần nguồn từ ngân sách, kêu gọi tài trợ như thế nào nhưng phải tiếp khách thật đàng hoàng, có lãnh đạo trung ương về nữa, đây là sự kiện quan trọng nhất năm. Đồng chí Oanh hôm nay có họp ở đây, đồng chí phụ trách công tác sự kiện cho tòa tỉnh này nhiều năm, luôn làm rất tốt các sự kiện nên được tham gia họp với các lãnh đạo tỉnh, để xem đề xuất cách thức tiếp đoàn như thế nào cho chu đáo nhất.

Dạ theo ý kiến thủ trưởng thì em có ý kiến thế này, Tây nó ghét hoa hòe cờ phướn lòe loẹt inh ỏi, người ta về nghiên cứu khoa học, kết hợp tài trợ tiền cho huyện nghèo, thì ta nên đừng dềnh dang, bề ngoài ta cũng phải đúng như nghèo thật. Em nghĩ bàn ghế Hằng Xái sao thì dùng vậy, không thuê mướn, cũng chẳng cần băng rôn, khẩu hiệu gì cả, làm cái nhỏ gọn trước cổng Tòa để có cái chụp hình quay phim thôi. Thế sao được, chánh trưởng cắt lời Oanh, Tây nó không thích hoa hòe hoa sói, nhưng lãnh đạo ta thì không thích tuềnh toàng đơn sơ, các bác về không có phông mền chào đón họ bảo ta thất lễ thì sao? Dạ anh, Oanh phân trần, để em trình bày thêm đoạn này, em nói bề ngoài mình thật nghèo vào, để cho đoàn Úc nó cảm động về cái nghèo của Hằng Xái, nghèo vậy mà công lý, tòa án vẫn làm tốt nó mới hay. Trước khi làm, chương trình em và anh chánh văn phòng sẽ lo liệu, rồi em sẽ dẫn anh ra gặp trước lãnh đạo trung ương xin ý kiến, em đảm bảo sẽ được duyệt. Này nhé, chúng ta có kịch bản, đoàn về địa phương nghèo, không cờ phướn rình rang phát biểu hoa hòe gì cả, cho nó văn minh lên. Nhưng trong cái nghèo đó, em sẽ sắp xếp mấy tờ báo, đài truyền hình tỉnh và cả truyền hình trung ương về đưa tin, rồi mình làm chương trình tài trợ, để báo đài họ làm chương trình luôn cho tòa tỉnh ta, sẵn, đài báo cũng sẽ đăng phát biểu của lãnh đạo Tòa ta ở trung ương, rồi ý kiến anh nữa. Không biết mấy năm mới có lần, mình làm là để sáng trưng hình ảnh người thẩm phán vì công lý, thế thì lãnh đạo họ duyệt ngay. Với lại lãnh đạo hiểu, lên hình là phải gắn với cái nghèo, với dân, chứ hình họa hoa hòe người ta lại bảo lãng phí, trật chủ trương đường lối ngay anh ạ. Mà cho các bác ấy lên vê tê vê cho dài dài, chương trình phóng sự riêng về chuyên đề tòa án luôn, ghép vài nội dung đổi mới, cải cách vào. Bên cạnh đó có cái tin ngắn trong chương trình thời sự chính. Còn đài tỉnh ta thì phát liên mấy số, cái này không tốn kém lắm đâu, mình có làm truyền thông quá, Tây nó cũng không xem đài nhà mình nên không có ngại, để các bác xem là được. Các bác mà được lên vê tê vê, rồi có mấy tờ báo ngành, báo địa phương, báo điện tử đăng tin rầm rộ lên như một sự kiện kết nối quốc tế, phải nhân sự kiện này quốc tế hóa lên các anh ạ, trăm năm mới có lần quốc tế về tỉnh nhà, làm cần bài bản ở nơi bài bản, chúng ta vừa làm nổi được gian khó, nhưng cũng làm lung linh được tòa án đang nổ lực mỗi ngày ra sao cho công lý được thực thi, chắc chắn các bác ở trên sẽ đồng ý và hài lòng.

À em cũng có ý kiến luôn, cái đoạn ra về, Tây nó xong việc là về, quà đừng phong bì mà tụi nó chửi, cứ chọn cái gì đặc trưng quê mình, xem thịt trâu gác bếp hay là hình họa đá lưu niệm gì đó, tặng họ, vừa rẻ vừa ý nghĩa, rẻ càng tốt ạ. Buổi trưa mình sẽ có ăn trưa, nhưng có cả Tây nên mình mời mấy món khoai, sắn trên này cho quê kiểng nghèo đói, nghèo là cả di sản các anh ạ, Tây đôi khi lại thích trải nghiệm cái nghèo cho nó lạ. Còn buổi chiều về, còn lại đoàn ta sẽ đưa về resort dưới này, để các bác tĩnh dưỡng vài hôm, chăm sóc chu đáo. Tiệc tùng em sẽ lo chu toàn đảm bảo mê đắm đặc sản rừng núi quê mình, rồi gửi quà cho các bác mang về báo cáo vợ. Đấy, ta phải thật nghèo để truyền thông, nhưng thực chất ta phải chu đáo từng chi tiết bên trong, xong vụ này các bác ở trên chắc chắn sẽ mê tỉnh ta anh ạ.

Oanh nói xong mọi người gật gù, riêng cái màn nghèo cho thật là nghèo khi tiếp khách không biết Oanh nghĩ đâu ra, tài thật. Sếp bảo mọi người sớm lên kế hoạch, anh chánh văn phòng phải làm việc với Oanh để có kế hoạch sớm, sát vào, với tìm nguồn kinh phí, xem trên cho bao nhiêu, xin tài trợ bao nhiêu, có ngân hàng, doanh nghiệp nào đang có kiện cáo lôi ra, các cậu phải nói là nhờ hỗ trợ xã hội hóa, nói khéo chút. Gọi những đương sự chắc thắng, chứ đừng xin họ mà sau xử thua là nó chửi um lên cả tòa bây giờ. Đúng, anh Chuẩn nói đúng, anh phụ trách mảng dân sự, kinh doanh, cứ loại án đòi nợ ngân hàng, đòi nợ thi công xây dựng là chắc, xin mỗi doanh nghiệp một ít, đừng xin họ nhiều, nhưng phải xin nhiều doanh nghiệp. Xin xong thì triển khai giải quyết án sớm cho họ, đừng xin xong rồi vẫn giam án tháng này qua tháng khác, chúng ta một tay một chân phụ vào để đưa uy tín về cho cả tỉnh, các đồng chí cố gắng. Lâu lâu chúng ta phải kêu gọi xã hội hóa, chứ tiếp khách làm gì có ngân sách. Mọi người có gì cần cứ trao đổi, nếu không ta chốt rồi triển khai.

Hôm trước Hoàng kể, nay Oanh gọi, cái vụ tiếp đoàn Úc, bọn tư bản này nó càng giãy càng phát triển, nó đi đến đâu là muốn mở mang cái cao cả, nhưng chắc gì ai là thóc ai là gà, ý Oanh trưa cứ cho nó ăn sắn cho cảm được cái nghèo, chiều tối về ta lại uống rượu vang còn đắt hơn bọn mày uống, lũ tư bản chúng mày làm sao hiểu được. Mình cũng háo hức xem Oanh trình diễn cái nghèo và hành trình công lý của một tòa án nghèo ra làm sao.

Đang lơ mơ cười vì cái kế sách của em Oang thì mẹ gọi điện bảo sắp khánh thành nhà thờ họ, các cụ mời con về dự, con lo sắp xếp mà về. Bảo với mẹ con đang học hành chưa có tiền bạc cung tiến gì cho nhà thờ, mặt mũi đâu con dám về dự khánh thành. Mày yên tâm, mẹ đã lo thay nhà anh rồi, mười triệu ủng hộ riêng, với tiền đóng theo suất mỗi người một triệu nữa, thì nhà mình có thua kém gì ai lắm đâu mà con lo, tên mày còn được ghi vào danh sách vinh danh đó con. Thôi toi rồi, chắc là bố mẹ cãi nhau chuyện ủng hộ quên góp, mẹ sợ mất mặt bố con nhà này nên tự góp thay mình. Vậy là không biết tốn mấy ngày lời của mẹt thịt lợn mẹ bán ở chợ huyện để mua lấy cái sĩ diện hảo về một sự cung tiến chưa thực tâm với tổ tiên ông bà. Nói thực nếu mình có nhiều tiền, mình cũng lễ giáo với tiên tổ, nhưng giờ lương anh thư ký mấy đồng, ra đây bao nhiêu thứ, đủ tiêu là may chứ có đồng nào đâu chẳng lẽ lại vay thằng Hoàng cung tiến cho họ.

Ngày 13.4 …

Anh Trường đang xem lại các hồ sơ liên quan đến kiện hủy quyết định trọng tài. Hầu như đến chín mươi phần trăm hơn các vụ trọng tài ở ta đều có ít nhất một trong các bên thỏa thuận có liên quan đến các chủ doanh nghiệp nước ngoài. Chứ doanh nghiệp ta trọng tài thương mại có từ lâu nhưng không mấy khi mang ra trọng tài để tranh chấp. Tòa án thì vô cùng nhiều việc, trọng tài ở ta ngay cả ông to nhất cũng năm được mấy việc đôi khi không dám công khai vì số liệu ít quá không có tính quảng bá. Bọn tây làm ăn ở ta cũng thường chọn trọng tài, nhưng những doanh nghiệp lớn vẫn muốn chọn trọng tài bên Sing, nên nhiều vụ tranh chấp giữa các bên ở ta nhưng lại sang Sing giải quyết, kiểu hai ông ở ta sang căm pu chia đánh bài cho nó máu.

Anh Trường bảo doanh nhân ta vẫn thích tòa hơn trọng tài, bởi chọn tòa thì có thể quen được, anh làm doanh nghiệp, có ông chú họ làm tòa, xem như lợi thế ngay. Ở ta trọng tài vẫn ít, với lại các ông trọng tài độc lập, công việc khác nhau, không làm lính cho trung tâm thực sự, không phải làm theo chỉ đạo, còn độc lập. Anh kiện ra trọng tài, anh không tin có thể mua luôn được cả ba ông trọng tài viên, hơn nữa thậm chí không biết các ông ấy ở đâu để mua. Cái nữa là đây, có phán quyết trọng tài rồi nhưng còn đến năm trường hợp treo lên để có thể hủy, năm cái thì ba cái mơ hồ cảm tính, trọng tài xử xong lại phải đi hầu tòa, chung thẩm đấy, nhưng chung vào đâu nếu lại ra tòa bị hủy, mà tòa hủy phán quyết trọng tài lỡ sai có phải đi tù đâu mà người ta không hủy. Rõ ràng, ai cũng biết trọng tài có các lợi thế hơn, nhưng thực tế năm có mấy vụ đâu, việc chính của mấy trung tâm toàn thấy tổ chức hội thảo, đào tạo để quảng cáo cho các doanh nghiệp, bọn tây nó nghe, bọn ta nó đếch, cứ tòa cho chắc, có em dâu tao làm thẩm phán, viện kiểm sát, chắc cái đã, cứ có bà con họ hàng năm đời cũng đào lên, họ làm nhà nước, họ bảo cứ kiện ra tòa đi có gì họ giúp kia mà, ai đi trọng tài xa xôi Hà Nội Sài Gòn Đà Nẵng làm gì cho xa. Cái cuối cùng có thể còn quan trọng hơn, thế thì nếu giờ mà tranh chấp kinh doanh thương mại do các anh trọng tài xử hết thì kinh tế thị trường tự do quá đi, thế thì cứ làm theo luật, chứ không làm theo chỉ đạo các cấp ủy nữa à. Cho nên, cái này nó nằm trong sự thấm của những vấn đề còn vĩ mô hơn, người ta cứ nói tính chung thẩm của trọng tài, mà người ta không hiểu đang vận hành dưới trướng của các hình thái kinh tế chính trị cụ thể, tài phán cũng thế, tòa án hay trọng tài cũng thế, làm đếch nào có thể tách khỏi kinh tế chính trị quốc gia.

À nhân nói chuyện tài phán gắn với kinh tế chính sách, các chú đã đọc “Why Nations Fail” của Daron Acemoglu và James Robinson chưa? Như Tàu, không phải là không đủ thông minh để có thể minh bạch các cuộc chơi, mà anh Tàu anh ấy muốn làm một nhà nước săn mồi, mà mồi ngon là tài sản của các ông doanh nghiệp, anh ấy không săn ngay, mà sẽ đánh cắp lòng vòng chậm dần, không săn lẻ mà săn tập thể, không làm cú đớp ngay vì sợ vở bình mà săn làm sao từ từ để bình vẫn giữ, để săn được từ từ thì các nhiệm kỳ anh trưởng dài ra, anh trưởng Tàu tự nhiên còn hơn cả vua chúa phong kiến nhưng được bọc trong cái khung tập thể lãnh đạo.

Mấy tay Daron Acemoglu và James Robinson nói về các quốc gia thành công hay là vỏ thành công ruột thất bại, rồi hay cái ông Douglass Cecil North ổng nói về thể chế và kinh tế học, những cái không phải dễ tiếp cận nhưng đọc xong thì ta giải thích được vì sao lại có chuyện này chuyện kia, vì sao có sự chậm chạm ăn mòn.

Mấy hôm nay, tin các ông trùm doanh nghiệp bị bắt đặt trong lòng những tư tưởng của Vì sao các quốc gia thất bại, thì thấy nhiều doanh nghiệp làm ăn hai ba chục năm sau, có một khối tài sản, rồi gì nữa, vào tù. Đó có thể là cuộc chơi sai trái của họ với luật pháp, đó có thể là cuộc chơi sai trái của họ với những con mồi tương tự họ, trong cuộc cuồng điên đánh nhau, có những kẻ săn mồi ngồi mỉm cười rồi đợi xẻ thịt.

[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]

Was this helpful?

3 / 0