Anh Long gọi mấy anh em về nông trại của anh ấy chơi, lễ đường sá đông đúc nhưng anh em về đến cơ ngơi của anh mới thấy, cánh đồng nhà anh được giao khoán nhờ gom ruộng của nhiều hộ dân, nay kết hợp chăn nuôi đủ thứ sản phẩm đồng ruộng, anh Long thành tỷ phú. Nhân công anh thuê mướn làm lên đến hơn sáu mươi người, mỗi bộ phận phụ trách chăn nuôi khác nhau, nơi nuôi cá lóc, nơi heo mọi, nơi vịt, lươn, ếch, châu chấu cào cào dế và cả ba ba và cả đàn bò đông đúc … Nông trại nay gom lại, lớn cả chục héc ta mênh mông, mọi người đi vào lạc trong những vườn ươm tạo giống, những triền cỏ, vườn chuối mênh mông. Hệ thống nuôi trồng của anh Long khép kín, tận dụng nguồn thức ăn, rồi lấy sản phẩm này phụ trợ sản phẩm khác, mọi thứ được tổ chức một cách khoa học.

Cả ngày anh Long dẫn anh em làm một tour trải nghiệm thực tế, đi xem cho ếch ăn hay tìm hiểu cách nuôi dế, thực phẩm chế biến thức ăn cho bò, rồi leo trèo trên ngọn đồi nhỏ, nướng chuối ăn, hái ổi, gặm mía và trèo khế. Cả đội đi lừ người thì nhào xuống kênh thủy lợi nước trong veo tắm.

Chiều tối lại, trên triền cỏ bờ kênh dẫn nước từ hồ thủy lợi về cho nông trại, năm sáu anh em ngồi quây lại trong một cái chòi canh. Đốt củi lên, anh Long cho mấy anh em làm các món nướng sản vật của đồng ruộng, có cảm giác về đây, mùi ruộng đồng chạm vào mơn man niềm hứng khởi, không còn chút nào của những vướng bận oi bức của cuộc đời chộn rộn tranh đua ngoài kia.

Mọi người vừa làm mồi, vừa ướp bia lạnh, anh Long thì vừa đi đưa gói lươn đùm với con gà nướng biếu thầy Hải chủ nhiệm cấp ba về. Anh Trường thì vừa nướng cá vừa bảo Long tử tế quá, chú mày vậy mà luôn có trên dưới, được các sếp quý là phải, ăn miếng ngon cũng nhớ đến đạo thầy trò. Thầy em mà, không có thầy chỉ cho, khuyên đừng bỏ học, thì em giờ có khi cũng chỉ là thằng trọc phú chăn vịt, làm gì được ngồi nghe anh Trường giảng cho pháp quyền của Tom Bingham. Người như thầy Hải hiếm các anh ạ, làm thầy chỉ biết nêu cái tâm sáng gương soi cho bao thế hệ học trò, từng bài toán giờ thầy vẫn có từng sơ đồ tư duy ngang dọc sáng tạo, không phải người thầy nào cũng truyền cho chúng ta những suy tư tích cực và khao khát thiện lương. Em thấy dù làm gì, giữ lấy thiện lương thì sẽ có người thương mình, sống thuận theo lẽ ấy thì bình thản an nhiên.

Ở trường luật, anh Trường biết không, em cũng có một ông thầy Khải hay lắm, chắc anh Trường có học không, à anh học trước, không gặp, thầy Khải hay bắt bọn em phải học lấy cái tư duy pháp lý, ban đầu cứ tưởng cái này không ăn tiền gì cả, học là phải học tội này xử mấy năm, án treo hay giam, chứ tư duy cần gì, sau thì mới ngộ ra, không hiểu được bản chất của con đường đi của cuộc sống, thì làm sao suy xét được tội trạng của con người.

Anh Trường bảo, giờ đào tạo luật đang rối bởi các cái đầu tranh luận ở hai khía cạnh, những người mà thấm hết tư duy pháp lý người ta muốn sinh viên luật phải ngấm được tư duy, nhưng tòa nay tuyển dụng phải cần điều kiện cái chứng chỉ làm thư ký, nghĩa là anh diễn án chưa, anh đánh biên bản phiên tòa chưa, gọi là cái thực hành. Mấy ông doanh nghiệp cũng thế, chẳng nhẽ tuyển anh về rao giảng cho tôi về khế ước xã hội hay chính trị luận, tôi muốn anh làm cho tôi cái hợp đồng kia, anh làm đi. Cho nên thầy Khải thì muốn nhồi vào mấy pho tượng người tư duy, để có tư duy rồi, vứt vào thực tiễn, anh thấm vào rồi anh suy luận, anh kết hợp với thực hành, anh làm công bộc tư pháp nhưng anh có hồn con người. Còn thực tế ta nó lại khác, anh xử án anh cần đếch chú lý thuyết gì sất, bắt rồi à, cứ theo tố tụng thực định làm, cứ theo nghị quyết tòa mà xử, công bộc tư pháp như cái máy, cứ làm vậy, cần đếch gì tư duy.

Lại đúng rồi anh, Hoàng đất bảo, giờ mấy công bộc tư pháp không cần anh giỏi lý luận pháp quyền hay pháp lý, chứ theo đuôi nghị quyết với luật thực định, rồi theo đuôi lãnh đạo mà xử, những điều như thầy Khải nói đám học trò nhiều đứa nó đâu thèm nghe. Đạo thầy trò nó cũng rất khác, giờ tay thẩm phán ra đời cái nó có con xe nửa tỷ chạy, thầy Khải đi dạy cả đời giờ có cái xe cọc cạch đờ rim hai bánh, lương với phụ cấp thầy Khải mười mấy triệu hàm phó giáo sư, tay thẩm phán mới nhoi ra lương chưa đầy chục triệu mà nhà nó to, xe nó đi xe nửa tỷ. Đấy đời nó vậy anh ạ, nó tréo nghoe là vậy, cho nên đạo lý nhân phẩm đảo lộn hết cả. Nhớ có lần thầy Khải nói, mình đi dạy luật mấy chục năm, được đào tạo từ Đức đến Mỹ về, có thằng học trò làm thẩm phán nó làm cái luận văn mình hướng dẫn, nó đưa ví dụ xử một vụ án rất bất nhân nghĩa, có ông thầy giáo cũ vì không được lòng thằng học trò quan to, thế là cả hệ thống truy tìm bới ra vụ thất thoát chi tiêu nội bộ cơ quan mấy chục triệu, tòa đè ra xử sáu năm giam mẹ ông giáo vào tù. Thầy Khải bảo vụ này tòa xử có công lý không em, nó bảo bọn em xử là xem có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ không rồi theo đường lối mà xử, công lý nó nằm chỗ nào em không thấy. Chết mẹ thầy nó chưa, tao phải làm thầy chúng nó thế này thì nhục không chịu được. Chúng như vậy là ác độc, là không có con người. Nó bảo thầy nói những điều vô cùng xa lạ với thực tế, thầy nói những điều không hợp rơ gì với thời cuộc và lịch sử đang trôi chảy mỗi ngày.

Anh Trường nói cái vụ thầy Khải thì nhiều giai thoại lắm, thầy ấy hay chửi xoẹt vào cả cái nền luật học copy liên xô đông âu trung quốc loạn lên. Giờ đám học thức luật lệ xử này ông thì học Nga ông thì học Tàu, anh học Mỹ, Pháp, về cứ viết bài với lên mạng chửi nhau học copy ở đâu hay hơn, cái tư duy copy chứ không luận lý phù hợp gì cho cuộc sống cả. Thầy Khải cũng hay nói giờ luật đôi khi có giá năm bày chục tỷ, nó rẻ nên năm năm mười năm là thay lên thay xuống một lần. Thằng doanh nghiệp bất động sản, thằng ngân hàng muốn cái gì thuận cho nó là luật sẽ thay đổi cho thuận lợi, muốn lãi suất phải theo ngân hàng, muốn xử lý nợ xấu thì một mình nó xử lý tài sản, thằng khác không được xen vào, rồi thằng bất động sản nó đòi mua bán qua sàn, cũng như đi mua vịt đồng của chú Long, đại khái thầy Khải cứ nói đến luật lệ là bảo nó xôi thịt lắm em ơi, nó không có luận lý nào cả, rũ một loài xôi thịt, cái gì chúng nó cũng quy ra tiền. Hội thảo mời mấy thằng nhăng cuội dở hơi đến nói ngu để chi tiền, chứ dự thảo chúng họp lại bàn với nhau cả. Ối trời ơi, em không biết đâu, thầy Khải bảo, tao ví dụ xem như này có xôi thịt không nhé, ví dụ một thằng tắc xi mới của tay buôn đất sắp ra, tao sẽ có chính sách bắt toàn dân nhậu lại đo nồng độ cồn, giờ văn hóa giao thông vừa phải đảm bảo an toàn, không rượu bia độc hại tai nạn giao thông vô cùng đúng. Thế nhưng có thể có cái xôi thịt trong đó, ví như văn hóa giao thông được huy động rất đúng thời điểm đó, bọn dân nhậu sẽ phải chuyển sang đi tắc xi hết, vậy có phải cả ngàn tắc xi của thằng buôn đất sẽ thu tiền không. Chúng ta ngu muội nên dễ bị tẫy não và nhồi đất vào, chứ từng cái chính sách cũng xôi thịt, thì chúng máy lại đòi công lý cái đếch, giờ làm không đúng chúng mày vào tù mà ngồi, bọn tao có quyền tao cứ làm luật để ngồi chờ ăn tiền, xôi thịt là ở chỗ đó. Thầy Khải ví dụ vậy rồi thầy ngồi ngao ngán cười, tao có nhiều thằng học trò giờ làm to lắm, nó mang máu quan phụ mẫu trong người nhưng chúng có cái bệnh chung là sợ đi tù. Chính cái đạo đức nền tảng mà chúng có, tạo ra sự run rẫy vì sợ đi tù. Ban đầu chúng ủng hộ, làm nô lệ và tuân theo mấy cái luật lệ vô đạo vô cảm, rồi sau chính chúng là nạn nhân của cái vòng quay đó, chúng ác với đồng đội đồng đạo rồi sau bị chính đồng đội đồng đạo xử lại, cứ thế chúng bưng bô nhau và bế nhau vào tù hết. Tất cả là do giáo dục và nền tảng giáo dục, nên em ơi, tao nói trường luật nên đào tạo đạo đức và tư duy, nhưng mấy cái này các trường có đào tạo qua loa, mà giờ cũng chạy theo thị trường, cứ chạy theo thị trường rồi trò không ra trò, thầy chưa ra thầy hết, thị trường nó làm nhụt tâm nhụt chí nhụt đi đạo học. Có hôm có thằng còn nói em hơn thầy hẳn ra, nhà em to, xe em đắt, gái em nhiều, thầy thì có cái đếch ngoài nghèo, nên thầy bớt nói luật lệ đông tây đi, hay thầy đứng tên cố vấn cho em em viết sách với thầy, em đứng tên với thầy, em gửi tiền thầy tiêu tha hồ. Đấy đạo học thời nay nó thế, chúng nó đưa gái với nhà xe ra để đong đếm, lấy thói trọc phú ra đòi đi in sách làm màu, con người thì bảo sao mà cái thế giới luật lệ này nó không loạng choạng.

Cái sự học mới hoán đổi được tình trạng này, nhưng sự học mà học nhầm, học sai, học phải tư duy độc kiến thức độc thì nguy hại vô cùng. Thầy Khải chửi vào đào tạo luật cũng như chửi vào cối xay gió, người ta vừa nghe vừa cười, người ta vẫn làm việc của họ, thế đấy.

Các anh ấy say sưa nói về đào tạo luật, nói mấy cái giáo trình luật ở ta toàn nhét luật thực định vào rồi cho mấy cái máy người ê a đọc chép thi cử, hỏi cũng luật thực định, trả lời cũng thực định luật, người ta không đào tạo tư duy. Những con rô bốt người cứ bước ra ngoài kia vô hồn vô cảm không lương tri, nên mới xảy ra chuyện ngậm tiền mà xử, không xót thương công lý hay lương tri gì cả, lỗi ấy cũng có thể xem là lỗi của hệ thống giáo dục, anh tạo ra các loại người vô tri chứ không tạo ra giá trị nhân bản, làm gì có công lý ở chương nào điều nào khoản nào luật nào đâu mà áp dụng. Những cái máy mẫu cứ vậy được đưa vào guồng xay, nếu còn lại lương tri đâu đó thì thành của hiếm kỳ dị và bị cô lập.

Không hiểu sau ngày nghỉ lễ anh em ngồi với nhau lại nói về chuyện học, cũng ngẫu nhiên việc anh Long đưa thức ăn biếu thầy mà thành ra chuyện học hành rôm rả. Cái đạo học xưa nay nhiều người rao giảng, nhưng cái nền học phải làm sao đọng trong đó lương tri và nhân phẩm sống, chứ giờ người ta mang trò ra so sánh với thầy, mang cái xe nửa tỷ ăn cướp được so với cái xe hai bánh ba triệu ba trăm ngàn của ông thầy với những giọt sống kiếm ra, rồi người ta bảo thế hệ trẻ giỏi tài hơn, già rồi chấp nhận thua. Đó là sự điên đảo của cái đạo học mà gốc rễ căn cơ cần phải làm sao hiểu được.

Ngoài chòi canh mưa bắt đầu rơi xuống, mấy ngày nắng hôm nay trời đổ mưa ríc rắc làm mát cả một miền đồng ruộng. Hoàng đất quả có tư chất, từ bạn mình dẫn lối, nay anh Long, anh Trường quý nó lắm luôn. Mà mình cũng tôn trọng nó hết mực. Ở cả tỉnh, danh tiếng Hoàng làm tòa mà chẳng cần tiền tòa lan cũng nhanh, các vụ Hoàng đất xử không ai mua bán thay đổi gì được cả, Hoàng cũng chịu khó học hỏi nghiên cứu, trước hay hỏi mình với chị Nga, anh Nam nhưng nay độc lập và chuyên môn tốt hẳn, tự tin xử án mà không bị can thiệp, Hoàng hay nói các anh đuổi em về, em xử đúng.

Những gì làm cho Hoàng độc lập, một chút lương tri, một cơ ngơi nền tảng kinh tế tự chủ, một bệ đỡ mơ hồ để không bị trù dập, hay là gì gì nữa mà mình không rõ, ngay cả giờ Hoàng đất với anh Long thân nhau rất nhiều mình cũng không rõ, ngay cả anh Long là trùm gì trong cuộc chơi quyền lực tư pháp mình cũng không rõ.

Mưa tả tích rơi xuống mùa nắng như để mát lành lại tâm hồn, mình nhớ Hằng Xái, nhớ chị Nga, không biết chị Nga có đi chơi với đoàn tòa không, chắc mai mốt tranh thủ thăm mẹ con chị Nga, lâu rồi chưa gặp. Mỗi khi trong lòng trống vắng hoang hoải, có lẽ đến để chị Nga chửi yêu vài câu bảo cậu dốt lắm, đời không như cậu nghĩ đâu, được chị chửi yêu thế lại thấy lòng trong lành ngọt ngào để đi thêm những ngày sắp tới.

[đây là nhật ký hư cấu, được viết bởi một người đã có dịp đi cùng các sự thật của cuộc sống nghề luật]

Was this helpful?

0 / 0