Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Hiện nay, tại Việt Nam tồn tại 04 loại hình doanh nghiệp chính: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là công ty đối nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là công ty đối vốn.
Quyền thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp
Quyền thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:
a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập doanh nghiệp trừ những cá nhân, tổ chức sau:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hay nói cách khác, tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập doanh nghiệp bao gồm:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp thu lợi ích riêng. Hay nói cách khác, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang có quyền thành lập tài sản nếu:
+ Sử dụng tài sản riêng cơ quan, tổ chức.
+ Sử dụng tài sản chung của Nhà nước để thu lợi ích chung cho Nhà nước.
– Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trừ trường hợp được Nhà nước phân công quản lý doanh nghiệp thuộc Nhà nước.
– Người bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp quy định từ Điều 19 đến Điều 22 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có sự khác biệt nhưng sẽ bao gồm các hồ sơ chính như sau:
– Giấy đề nghị.
– Điều lệ công ty (trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân).
– Danh sách cổ đông sáng lập, thành viên (trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân).
– Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên, người đại diện theo pháp luật.
– Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện qua trang web: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn. Việc thực hiện đăng ký kinh doanh trên trang sẽ yêu cầu phải có tài khoản trên trang đăng ký kinh doanh. Thủ tục đăng ký tài khoản trên trang đăng ký kinh doanh các bạn có thể tham khảo tại đây.
Góp vốn vào doanh nghiệp
Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là:
– Đồng Việt Nam.
– Ngoại tệ.
– Vàng.
– Quyền sử dụng đất.
– Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
– Tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, tài sản góp vốn vào doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo 02 điều kiện sau:
– Là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản.
– Có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam
Thông thường, các thành viên sẽ lựa chọn hình thức góp vốn bằng tiền bởi các hình thức góp vốn khác trừ tiền ngoại tệ, vàng sẽ phải tiến hành định giá và kéo theo đó là trách nhiệm liên đới góp thêm số tiền chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế.
Đặt tên cho doanh nghiệp
Việc đặt tên cho doanh nghiệp được quy định tại Điều 37, 38, 39, 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 18, 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, tên doanh nghiệp sẽ bao gồm: loại hình doanh nghiệp + tên riêng. Trong đó, tên riêng là phần cần được chú ý để tránh rơi vào trường hợp tên tương tự, tên nhầm lẫn. Cụ thể, tên riêng của doanh nghiệp cần đảm bảo những yếu tố sau:
– Viết bằng chữ cái tiếng việt và các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Ví dụ: Công ty TNHH Fujiwa.
– Tránh các trường hợp tên trùng, tên gây nhầm lẫn với các công ty đã đăng ký trước đó. Ví dụ, tên là Công ty TNHH Fujiwa thì các công ty thành lập sau đó sẽ được coi là trùng, gây nhầm lẫn khi đặt tên là:
+ Công ty TNHH Fujiwa – trường hợp tên trùng.
+ Công ty TNHH Phu Gi Oa – trường hợp tên tiếng Việt đọc giống.
+ Công ty TNHH Fujiwa A – chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký một chữ cái, một số tự nhiên.
+ Công ty TNHH Fujiwa & – chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký một kí hiệu.
+ Công ty TNHH Tân Fujiwa – chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký chữ tân hoặc chữ mới viết ngay trước hoặc sau tên riêng.
+ Công ty TNHH Fujiwa miền Đông – dễ nhầm lẫn là chi nhánh của công ty hoặc cùng một công ty tại các miền khác nhau.
Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định trụ sở chính công ty đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Theo đó, địa chỉ trụ sở chính của công ty chỉ cần có thể được xác định theo địa giới đơn vị hành chính là có thể sử dụng là địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên sử dụng chung cư chỉ sử dụng với mục đích để ở để làm trụ sở chính của doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp nên chọn chung cư có mục đích hỗn hợp.
Treo biển hiệu tại trụ sở công ty
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký kinh doanh thường kéo dài 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, tiến độ thực tế còn tùy thuộc vào tiến độ xử lý của hệ thống dịch vụ công điện tử. Thời gian đăng ký thực tế thường sẽ kéo dài từ 3 – 5 ngày làm việc.
Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất làm trụ sở chính của doanh nghiệp không phải là một loại giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc địa chỉ trụ sở chính có thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp hay không do doanh nghiệp tự cam kết. Tuy nhiên, trường hợp chuyên viên yêu cầu thêm giấy tờ, để tránh việc thừa hồ sơ trên cổng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng, các bạn có thể liên hệ với chuyên viên xử lý hồ sơ với số điện thoại ở thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ để cung cấp giấy tờ ngoài lề cho chuyên viên nếu cần.
Was this helpful?
0 / 0