Hiện nay, khi việc giáo dục đại học trở nên đại trà; việc đỗ đại học còn khó hơn việc trượt đại học thì vấn đề mới đặt ra đối với xã hội hiện tại. Đó là sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có việc làm hay không? Tỷ lệ có việc làm được xác định như thế nào và có yêu cầu gì đối với tỷ lệ việc làm này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau:
Tương quan giữa nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường
Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT như sau:
Điều 4. Nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh
3. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của lĩnh vực không vượt quá năng lực đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của ngành không vượt quá năng lực đào tạo.
4. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả kiểm định cơ sở đào tạo và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cụ thể:
a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Thông tư này;
b) Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực (đối với chỉ tiêu đại học) hoặc theo từng ngành (đối với chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo theo quy định nhưng ở thời điểm công bố chỉ tiêu tuyển sinh không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo còn thời hạn, trừ trường hợp cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
c) Chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%, trừ trường hợp ngành đào tạo có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được tính chỉ tiêu riêng.
Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp. Theo đó, nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp đạt dưới 80% thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học đó không được tăng so với năm trước. Vậy nên, các trường đại học thường khi phỏng vấn về vấn đề việc làm sau khi ra trường rất qua loa, chỉ mang tính chất hỏi cho có; không thống kê cụ thể số lượng sinh viên có việc làm đúng theo ngành học và số lượng sinh viên có việc làm trái ngành. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh và đào tạo còn phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội. Vậy nên, con số 100% sinh viên ra trường có việc làm đang không phản ánh đúng thực trạng công việc hiện nay.
Việc tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt 100% ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và bản thân sinh viên
Đối với xã hội
Việc ngành học nào sau khi ra trường cũng đạt 100% tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm khiến chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành đó sẽ tăng. Trong khi đó, việc chỉ tiêu tăng đem lại lợi ích cho Nhà trường nhiều hơn là cho xã hội. Số lượng sinh viên được đào tạo về chuyên ngành đó tăng trong khi số lượng công việc trên thực tế của chuyên ngành đó giảm hoặc không đổi khiến số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều hơn.
Dựa theo số lượng sinh viên thất nghiệp do ra trường; nhiều trường hợp sinh viên đại học phải cất bằng đại học đi để làm những công việc chỉ yêu cầu trình độ trung học phổ thông khiến nhiều người hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học. Rằng tấm bằng đại học liệu có còn giá trị không khi nhiều người phải vứt bỏ tấm bằng để đi làm những công việc tay chân khác. Trong khi đó, không một ai nhìn vào học lực của những tấm bằng đã bị cất đi đó. Trung bình, yếu bởi những tấm bằng chỉ mang giá trị học cho có, không chịu đầu tư thời gian và công sức vào quá trình học. Ảo tưởng chỉ cần bằng đại học là có thể có việc làm trong khi sự khác biệt giữa đi học và đi làm là quá lớn.
Đối với bản thân sinh viên
Đối với bản thân sinh viên, học phí học đại học hiện nay đang có xu hướng tăng; để một người hoàn thành chương trình đại học cần một số tiền không nhỏ. Vậy nên, việc ra trường và làm một công việc trái ngành khiến nhiều sinh viên cảm thấy phí tiền và công sức bản thân đã bỏ ra. Mặc dù việc không có việc làm ngoài nằm ở bản thân sinh viên còn nằm ở quy luật cung cầu của xã hội. Khi mà số lượng công việc quá ít mà số lượng sinh viên có chuyên ngành đó quá cao dẫn đến người sử dụng lao động có quyền chọn lựa những ứng viên tiềm năng nhất; yêu cầu đối với một công việc cũng sẽ cao hơn và không có chỗ cho một sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm. Vậy nên, việc lựa chọn một ngành học có khả năng có việc làm thấp khi ra trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân sinh viên.
Có nên đi theo xu hướng làm việc linh hoạt, chờ thời?
Do vấn đề ra trường không có việc làm kèm theo khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nửa cuối năm 2022 đến nay; tỷ lệ người thất nghiệp tăng mạnh so với các năm trước. Cùng thực trạng đó không chỉ có Việt Nam mà còn có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhiều người trẻ tuổi tại các quốc gia trên hiện đang có những tình trạng đáng báo động:
– Không muốn tìm kiếm việc làm, không muốn kết hôn, lập gia đình, sống cùng với bố mẹ.
– Lựa chọn làm những công việc part time một thời gian sau đó sống đến khi hết số tiền kiếm được sẽ đi làm những công việc part time khác.
– Lựa chọn làm những công việc khác không yêu cầu bằng cấp để chờ đến khi thị trường lao động đối với ngành nghề này sôi động trở lại.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên mới ra trường không để ý đến việc các công ty sẽ xem trọng bằng đại học của ứng viên đến khi nào. Theo đó, sau 02 năm kể từ khi ra trường, các công ty sẽ bắt đầu chú ý đến kinh nghiệm hơn là tấm bằng đại học. Chính vì vậy, trừ trường hợp ứng viên chứng minh thời gian đó đang đi học cao hơn thì những ứng viên chỉ có bằng đại học sẽ bị “loại thẳng từ vòng gửi xe”. Nguyên nhân là bởi sau 02 năm, những kiến thức có được từ trường đại học đã không còn như khi mới ra trường. Bên cạnh đó, ứng viên không có kiến thức thực tế từ ngành học này khiến doanh nghiệp không cảm thấy tin tưởng khi giao một công việc cho những ứng viên như vậy.
Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là sinh viên khi mới bước chân vào cánh cửa đại học nên xác định rõ nghề nghiệp của mình sẽ làm sau này. Nếu xác định rõ mình chỉ học đại học này vì tấm bằng và sẽ làm một ngành nghề khác; hãy cố gắng tích lũy kinh nghệm liên quan đến ngành nghề đó trước. Và lập tức bỏ suy nghĩ làm việc linh hoạt để chờ thời vì bạn có thể chờ, nhưng tấm bằng của bạn thì không.
Was this helpful?
0 / 0