Di chúc miệng là gì?
Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc lập di chúc phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu không thể lập di chúc thành văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc miệng có thể được hiểu là ý chí cá nhân trong việc chia thừa kế được người sắp chết nói ra. Di chúc miệng có thể được ghi âm hoặc ghi lại bằng văn bản bởi người làm chứng.
Trường hợp nào được lập di chúc miệng?
Theo quy định tại Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc miệng được thừa nhận khi được lập bởi một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Tuy nhiên, việc xác định tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản chưa có quy định cụ thể. Bởi một người bị cái chết đe dọa có thể bao gồm rất nhiều trường hợp:
– Người bị tai nạn giao thông.
– Người bị bệnh nan y sắp chết, đang hấp hối.
– …
Điều kiện để di chúc miệng hợp pháp?
Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Theo đó, một di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Tuy nhiên, đặt trong trường hợp một người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; di chúc họ lập ra không thể đáp ứng được yêu cầu của một di chúc hợp pháp. Chính vì vậy, di chúc miệng được coi là hợp pháp khi được thể hiện trước mặt ít nhất 02 người làm chứng. Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng; người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên và điểm chỉ; sau đó đem lên cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác định chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, một di chúc miệng được coi là hợp pháp khi:
– Lập trước mặt ít nhất 02 người làm chứng.
– Người làm chứng không thuộc các trường hợp: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Di chúc miệng phải được người làm chứng lập thành văn bản sau đó ký tên hoặc điểm chỉ.
– Di chúc miệng sau khi được lập phải được chứng thực chữ ký/điểm chỉ trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập di chúc miệng.
Hiệu lực của di chúc miệng?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015; sau 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Hay nói cách khác, hiệu lực của di chúc miệng là 03 tháng.
Tại sao di chúc miệng thường không có hiệu lực?
Thứ nhất, quy định về xác định đối tượng được lập di chúc miệng chưa rõ ràng. Theo đó, việc quy định đối tượng được lập di chúc miệng trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản không rõ ràng. Có thể hiểu, điều kiện để một người được sử dụng di chúc miệng là:
– Người đang trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa.
– Không thể lập di chúc bằng văn bản.
Trong đó, việc xác định một người đang trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa có thể xác định dựa vào hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc xác định một người thế nào là không thể lập di chúc bằng văn bản rất khó.
Thứ hai, yêu cầu việc chứng thực chữ ký của người làm chứng. Để một bản di chúc miệng được công nhận là hợp pháp; quy định yêu cầu người làm chứng phải mang bản di chúc đi chứng thực chữ ký/điểm chỉ. Việc này rất khó thực hiện trên thực tế bởi:
Một, việc chứng thực chữ ký yêu cầu tất cả người làm chứng phải cùng đến văn phòng công chứng và không đem lại lợi ích gì cho người làm chứng bởi lợi ích thuộc về người được hưởng di sản. Việc bỏ công sức ra giúp một người khác mà không đem lại lợi ích gì là việc ít người làm được.
Hai, chữ ký là một phần vô cùng quan trọng của thủ tục giấy tờ hiện tại. Việc ký tên lên một văn bản kéo theo trách nhiệm của một người với văn bản đó. Cũng như vậy, việc ký tên lên di chúc miệng kéo theo trách nhiệm chứng minh nội dung di chúc là đúng với ý chí của người chết. Và trong trường hợp người được hưởng di sản tranh chấp; chính người làm chứng cũng sẽ phải tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng khi tham gia tố tụng. Thời hạn giải quyết một vụ việc dân sự liên quan đến tranh chấp tài sản cũng sẽ không chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn mà có thể kéo dài. Thậm chí gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người làm chứng.
Thứ ba, khó khăn trong việc chứng thực chữ ký. Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 quy định:
Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Như vậy, theo luật công chứng; để một di chúc miệng được công chứng yêu cầu người làm chứng phải ký /điểm chỉ trước mặt công chứng viên. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự lại nêu ra quy định người làm chứng ngay sau khi lập xong di chúc miệng phải cùng ký tên. Mà thời hạn mang di chúc miệng đi chứng thực trong 05 ngày kể từ ngày di chúc miệng được lập. Vậy việc ký tên vào di chúc miệng sẽ được xác định theo quy định nào.
Nếu xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc miệng sẽ không thể chứng thực được. Hoặc nếu chứng thực được thì phải mời được công chứng viên đến nơi lập di chúc miệng. Tuy nhiên, một người đang trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa liệu có đủ thời gian đợi công chứng viên đến để chứng thực chữ ký cho người lám chứng.
Nếu xác định theo quy định của Luật Công chứng, di chúc miệng sẽ do người làm chứng ký sau khi mang đến văn phòng công chứng. Vậy ai sẽ làm chứng cho việc di chúc miệng này thực sự là ý chí của người lập di chúc. Chưa kể, di chúc miệng sẽ do người làm chứng ghi lại nên không thể xác định được.
Bên cạnh những lý do liên quan đến quy định của pháp luật như trên; còn rất nhiều lý do khách quan dẫn đến việc di chúc miệng thường ít được sử dụng hay không có hiệu lực pháp luật như: kéo theo trách nhiệm về sau cho người làm chứng; các văn phòng công chứng e ngại việc chứng thực di chúc miệng; ….
Đối với di chúc miệng, mặc dù đã có di chúc nhưng hiệu lực của di chúc kéo dài 03 tháng. Nếu sau 03 tháng người lập di chúc vẫn sống minh mẫn khỏe mạnh thì di chúc hết hiệu lực. Còn nếu sau 03 tháng, người lập di chúc vẫn trong trạng thái hôn mê, …không thể lập được di chúc mới thì hiệu lực của di chúc miệng vẫn giữ nguyên.
Thời điểm chia di sản được xác định là thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, do quan hệ thừa kế được xác định là quan hệ phát sinh giữa cá nhân có quyền thừa kế và di sản thừa kế. Trong khi đó, di sản được hiểu là tài sản do người đã chết để lại. Vậy nên, đối với di chúc miệng, phải sau khi người lập di chúc mất mới là thời điểm chia di sản.
Was this helpful?
0 / 0