Khi tôi mang bầu 6 tháng, bố chồng và chồng tôi qua đời trong một tai nạn giao thông, khi chưa lập di chúc. Anh em trong nhà đang tranh cãi về việc con tôi có được hưởng thừa kế hay không?
Xin hỏi, pháp luật quy định thế nào về vấn đề thừa kế của con tôi với phần tài sản của bố chồng tôi để lại?
Thai nhi 6 tháng có được coi là công dân Việt Nam không?
Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định:
Điều 14. Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam
Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:
1. Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật này;
2. Được nhập quốc tịch Việt Nam;
3. Được trở lại quốc tịch Việt Nam;
4. Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật này;
5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, người được xác định là có quốc tịch Việt Nam có cha, mẹ hoặc có cha hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam. Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, một người được coi là công dân Việt Nam khi sinh ra có cha, mẹ hoặc có cha hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam. Hay nói cách khác, thai nhi 6 tháng chưa được coi là công dân Việt Nam.
Thai nhi 6 tháng có quyền thừa kế không?
Thai nhi 6 tháng có quyền thừa kế khi thai nhi 6 tháng đáp ứng đủ điều kiện về người thừa kế. Cụ thể, Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 613. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, người thừa kế có thể được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết. Vậy nên, thai nhi 6 tháng tuổi nếu đã thành thai trước khi người để lại di sản chết được xác định là người thừa kế và có quyền thừa kế.
Giải quyết tình huống
Trường hợp của bạn, trước tiên phải xem bố chồng bạn và chồng bạn ai là người chết trước. Bởi Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thừa kế thế vị như sau:
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, ta sẽ có 02 trường hợp: trường hợp chồng bạn chết sau bố chồng bạn, và trường hợp bố chồng bạn chết trước hoặc cùng thời điểm với bố chồng bạn. Do bản chất chồng bạn và bố chồng bạn chết không để lại di chúc nên di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Trường hợp chồng bạn chết sau bố chồng bạn
Trường hợp chồng bạn chết sau bố chồng bạn, tài sản của bố chồng bạn và chồng bạn sẽ được chia như sau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, hàng thừa kế thứ nhất được xác định gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Thứ nhất, bố chồng bạn và mẹ chồng bạn là vợ chồng nên sẽ có tài sản chung và tài sản riêng. Phần tài sản được xác định là di sản do bố chồng bạn để lại sẽ bao gồm một nửa tài sản chung của bố mẹ chồng và tài sản riêng của bố chồng. Giả sử phần tài sản của bố chồng bạn bao gồm một nửa tài sản chung của bố mẹ chồng và tài sản riêng của bố chồng là T. Sau khi bố chồng bạn mất, hàng thừa kế thứ nhất được xác định bao gồm: mẹ chồng, chồng bạn và anh em trong nhà chồng bạn (giả sử số anh em này là n). Số tài sản chồng bạn sẽ được hưởng là: T/(n+2).
Thứ hai, do chồng bạn đã mất ngay sau đó nên tài sản của chồng bạn sẽ được xác định bao gồm: tài sản được thừa kế từ bố chồng, một nửa tài sản chung của hai vợ chồng bạn và tài sản riêng của chồng bạn. Phần tài sản này sẽ được chia mẹ chồng bạn, bạn và con bạn mỗi người một phần. Do con bạn chưa được sinh ra nên bạn sẽ là người thay con bạn quản lý phần tài sản này.
Trường hợp chồng bạn chết trước hoặc cùng thời điểm với bố chồng bạn
Trường hợp chồng bạn chết trước hoặc cùng thời điểm với bố chồng bạn sẽ phát sinh việc thừa kế thế vị. Theo đó, con bạn sẽ được thừa kế phần tài sản là T/(n+2) như đã tính ở trên. Tài sản của chồng bạn tương tự sẽ được chia cho mẹ chồng, bạn và con bạn.
Như vậy, con bạn vẫn có quyền hưởng thừa kế của bố chồng bạn trường hợp chồng bạn được xác định chết trước hoặc cùng thời điểm với bố chồng bạn. Trường hợp chồng bạn chết sau bố chồng bạn, con bạn sẽ hưởng di sản gián tiếp qua việc hưởng di sản của chồng bạn.
Was this helpful?
0 / 0