Nội quy lao động là gì?

Điều 117 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

Điều 117. Kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Như vậy, nội quy lao động được hiểu là văn bản do công ty ban hành bao gồm những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh. Trong nội bộ công ty, nội quy lao động có hiệu lực pháp lý cao nhất, tương tự như “Hiến pháp” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường, khi xử lý một vấn đề phát sinh trong công ty; ta phải dựa vào quy định trong nội quy lao động, sau đó mới đến hợp đồng, cuối cùng mới là quy định của pháp luật.

Mặc dù trong nội bộ công ty, nội quy lao động có hiệu lực pháp lý cao nhất; nhưng những quy định được ghi trong nội quy lao động không được trái với quy định của pháp luật về lao động.

Nội dung trong nội quy lao động?

Khoản 1, 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nội dung trong nội quy lao động như sau:

Điều 118. Nội quy lao động
1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
b) Trật tự tại nơi làm việc;
c) An toàn, vệ sinh lao động;
d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
h) Trách nhiệm vật chất;
i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, trong một bản nội quy lao động hoàn chỉnh sẽ bao gồm có những nội dung sua:
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
– Trật tự tại nơi làm việc.
– An toàn, vệ sinh lao động.
– Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
– Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động.
– Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động.
– Trách nhiệm vật chất.
– Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Công ty có buộc phải ban hành nội quy lao động?

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh”. Như vậy, công ty sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký nội quy lao động.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động”.

Như vậy, mọi công ty đều phải ban hành nội quy lao động. Tuy nhiên, các công ty sử dụng dưới 10 lao động không cần đăng ký nội quy lao động nhưng phải đưa nội quy lao động vào hợp đồng lao động.

Trình tự, thủ tục ban hành nội quy lao động

Để ban hành một nội quy lao động, nội quy lao động đó phải trải qua 04 bước:
– Bước 1: Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động về nội quy lao động.
– Bước 2: Người sử dụng lao động ban hành nội quy lao động.
– Bước 3: Người sử dụng lao động thực hiện gửi nội quy lao động đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và niêm yết nội quy lao động ở những nơi cần thiết trong công ty.
– Bước 4: Người sử dụng lao động đăng ký nội quy lao động.

Lưu ý: Đối với công ty sử dụng dưới 10 lao động; không cần thực hiện bước 4.

Trình tự tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động về nội quy lao động

Khoản 3 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”. Quy định tại khoản này được chính phủ quy định rõ hơn tại khoản 3 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở về nội quy lao động được thực hiện theo trình tự tổ chức đối thoại khi có vụ việc. Trình tự tổ chức đối thoại cụ thể được quy định tại Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 41. Tổ chức đối thoại khi có vụ việc
1. Đối với vụ việc người sử dụng lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36; cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều 42; phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44; thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93; quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 và nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được thực hiện như sau:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;
b) Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;
c) Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;
d) Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
đ) Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này;
e) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
2. Đối với vụ việc tạm đình chỉ công việc của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động mà người lao động bị tạm đình chỉ công việc là thành viên có thể trao đổi bằng văn bản hoặc thông qua trao đổi trực tiếp giữa đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động.

Trình tự tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở diễn ra như sau:
– Người sử dụng lao động gửi văn bản kèm nội dung nội quy lao động cho những người thuộc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
– Các thành viên thuộc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở tổ chức lấy ý kiến người lao động thuộc phạm vi đại diện của mình; lập thành văn bản gửi đến người sử dụng lao động.
– Người sử dụng lao động họp cùng thành viên thuộc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Cuộc họp được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên tham gia.
– Trong vòng 03 ngày kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động công bố công khai nội dung chính của nội quy lao động tại nơi làm việc.

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động

Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hồ sơ đăng ký nội quy lao động như sau:

Điều 120. Hồ sơ đăng ký nội quy lao động
Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
1. Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
2. Nội quy lao động;
3. Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
4. Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động

Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động như sau:
– Người sử dụng lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ tới Sở Lao động Thương binh & Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
– Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Lao động Thương binh & Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở xem xét hồ sơ. Nếu nội quy lao động có sai sót sẽ hướng dẫn người sử dụng lao động đăng ký lại. Nếu sau 07 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, doanh nghiệp không nhận được phản hồi từ Sở Lao động Thương binh &Xã hội, nội quy lao động được hiểu là đã đăng ký thành công.

Công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có được đăng ký nội quy lao động?

Công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vẫn có thể đăng ký nội quy lao động do trong hồ sơ đăng ký nội quy lao động; yêu cầu về văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được yêu cầu đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vậy nên, công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có thể đăng ký nội quy lao động và chỉ cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động và nội quy lao động.

Công ty dưới 10 lao động có thể lập nội quy lao động không?

Công ty dưới 10 lao động có thể lập nội quy lao động bằng văn bản hoặc bằng các hình thức khác do công ty lựa chọn. Nội quy lao động do công ty lập và ban hành không cần thực hiện thủ tục đăng ký với Sở Lao động Thương binh & Xã hội. Tuy nhiên, nội quy lao động của công ty phải được đưa vào hợp đồng lao động.

Công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có phải tổ chức lấy ý kiến tham khảo của tổ chức đại diện người lao động về nội quy lao động không?

Công ty không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không phải tổ chức lấy ý kiến tham khảo của tổ chức đại diện người lao động về nội quy lao động. Công ty cũng không cần thiết phải thành lập tổ chức đại diện người lao động cấp cơ sở để thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục ban hành nội quy lao động. Bởi nội quy lao động sau đó sẽ được xem xét bởi Sở Lao động Thương binh và Xã hội để đảm bảo nội quy lao động không trái với quy định của luật lao động.

Was this helpful?

0 / 0