Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh là gì?

Khám bệnh và chữa bệnh là hai thuật ngữ được quy định tại khoản 1, 2 Điều 1 Luật khám, chữa bệnh năm 2009. Cụ thể:
– Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.
– Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Để thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật; người hành nghề khám chữa bệnh phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật khám chữa bệnh năm 2009.

Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được quy định tại Điều 17 Luật khám chữa bệnh năm 2009 bao gồm các đối tượng sau:
– Bác sỹ, y sỹ.
– Điều dưỡng viên.
– Hộ sinh viên.
– Kỹ thuật viên.
– Lương y.
– Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người Việt Nam, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định tại Điều 5, 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Cụ thể:

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người Việt Nam

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam
1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể như sau:
a) Văn bằng chuyên môn y;
b) Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được coi là tương đương với văn bằng bác sỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sỹ;
c) Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học và phải kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm;
d) Giấy chứng nhận là lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
Trường hợp mất các văn bằng chuyên môn trên thì phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thay thế bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nơi đã cấp văn bằng chuyên môn đó cấp.
3. Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
4. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 6 Điều 23 và khoản 5 Điều 25 Nghị định này cấp.
5. Phiếu lý lịch tư pháp.
6. Sơ yếu lý lịch tự thuật theo Mẫu 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong cơ sở y tế tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoặc sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc cho cơ sở y tế nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
7. Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

Như vậy, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người Việt Nam gồm có:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Bản sao chứng thực các loại văn bằng sau:
+ Văn bằng chuyên môn y.
+ Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam.
+ Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học, kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm.
+ Giấy chứng nhận là lương y; hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền; hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
– Giấy xác nhận quá trình thực hành theo mẫu, hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II. (trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không cần có).
– Giấy khám sức khỏe.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1.
– Sơ yếu lý lịch tự thuật theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP có xác nhận của thủ trưởng đơn vị công tác hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đề nghị cấp cư trú. .
– Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng.
Lưu ý: mặt sau của ảnh ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh.

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn y phù hợp với các đối tượng hành nghề quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
3. Giấy xác nhận quá trình thực hành:
a) Trường hợp thực hành tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trường hợp thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì trong giấy xác nhận quá trình thực hành của người có thẩm quyền của cơ sở đó phải bảo đảm các nội dung sau đây: Họ và tên người thực hành; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ cư trú; số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); văn bằng chuyên môn; năm tốt nghiệp; nơi thực hành; thời gian thực hành; nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.
4. Bản sao hợp lệ giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.
5. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh;
b) Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc;
c) Đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh:
– Giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định này để khám bệnh, chữa bệnh;
– Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định này và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc
6. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ngoài cấp mà thời điểm cấp giấy chứng nhận sức khỏe tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không quá 12 tháng.
7. Lý lịch tư pháp (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động).
8. Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Bản sao chứng thực văn bằng chuyên môn y.
– Giấy xác nhận quá trình thực hành.
+ Trường hợp thực hành tại Việt Nam: theo mẫu tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
+ Trường hợp thực hành tại nước ngoài: đảm bảo giấy có đủ các nội dung họ và tên người thực hành; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ cư trú; số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); văn bằng chuyên môn; năm tốt nghiệp; nơi thực hành; thời gian thực hành; nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.
– Bản sao chứng thực giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.
– Bản sao chứng thực một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người đăng ký sử dụng tiếng Việt.
+ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch đối với người sử dụng phiên dịch, kèm theo hợp đồng lao động của người phiên dịch.
– Giấy khám sức khỏe.
– Lý lịch tư pháp đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
– Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng (ghi vào mặt sau họ tên và ngày, tháng, năm sinh).

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được quy định tại Điều 26 Luật khám chữa bệnh năm 2009 như sau:

Điều 26. Thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề
1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp sau đây:
a) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế;
b) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.
2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh gồm có:
– Bộ trưởng Bộ Y tế: cấp cho người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp Bộ, trừ Bộ Quốc phòng và người nước ngoài đến hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam.
– Giám đốc Sở Y tế: cấp cho người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được quy định tại Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 10. Thủ tục cấp, cấp lại và quản lý chứng chỉ hành nghề
1. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi ngay cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
b) Trường hợp hồ sơ gửi theo đường bưu điện thì trong thời hạn 02 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề;
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.
3. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.
4. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải ghi cụ thể những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi.
b) Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.
c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện thủ tục theo quy định tại các khoản 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp hồ sơ bổ sung vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục hướng dẫn người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề hoàn thiện hồ sơ.
d) Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ đã có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu nhưng người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề không bổ sung, sửa đổi hồ sơ thì phải thực hiện lại từ đầu hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.
5. Quản lý chứng chỉ hành nghề:
a) Chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp theo Mẫu 01 Phụ lục III, do Giám đốc Sở Y tế cấp theo Mẫu 02 Phụ lục III và Quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế cấp theo Mẫu 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Mã ký hiệu chứng chỉ hành nghề thực hiện theo Mẫu 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự in chứng chỉ hành nghề để cấp theo mẫu quy định tại điểm a khoản này, bảo đảm tính liên tục của số chứng chỉ hành nghề trong quá trình cấp và mỗi người hành nghề chỉ có một số chứng chỉ hành nghề.
c) Sở Y tế tiếp tục sử dụng phôi chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh như sau:
– Bước 1: Người đề nghị cấp chứng chỉ nộp 01 bộ hồ sơ tới Bộ Y tế/Sở Y tế. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, viết Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả lại cho người nộp hồ sơ 01 bản.
– Bước 2: Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ; cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.
– Bước 3: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề. Trường hợp không được cấp sẽ có thông báo cụ thể trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản thẩm định.

Phí cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Thông tư 278/2016/TT-BTC quy định mức phí thẩm định đối với trường hợp cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh đối với người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề bị mất, hư hỏng. Cụ thể:
– Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi: 360.000 đồng/lần.
– Chứng chỉ hành nghề bị mất, hư hỏng: 150.000 đồng/lần

Như vậy, trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh lần đầu tiên không mất phí.

Người hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt khi khám, chữa bệnh không?

Điều 23 Luật khám chữa bệnh năm 2009 ghi rõ việc hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt; đơn thuốc, chỉ định điều trị, kê đơn đều phải sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên, người hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam không bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt mà có thể thuê người phiên dịch.

Was this helpful?

0 / 0