Người hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc được công nhận biết tiếng Việt hoặc có sử dụng người phiên dịch có đủ trình độ về tiếng Việt trong quá trình khám chữa bệnh. Trong hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài luôn yêu cầu có giấy xác nhận trình độ tiếng Việt hoặc hợp đồng lao động giữa người phiên dịch và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều kiện với cơ sở kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh

Điều kiện đối với cơ sở kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 19 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

Điều 19. Điều kiện đối với cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh
Cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Là trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam.
2. Có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ của một trong các ngôn ngữ sau đây: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
3. Có ngân hàng đề thi để kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, cơ sở giáo dục để được kiểm tra và công nhận biết tiếng việt thành thạo hoặc sử dụng ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Là trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam.
– Có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ của một trong các ngôn ngữ sau đây: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
– Có ngân hàng đề thi để kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch tiếng Việt trong khám, chữa bệnh.

Trong đó, việc yêu cầu bắt buộc phải là trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam vì có rất nhiều trường đại học khác đào tạo về ngôn ngữ. Nhưng tùy vào mục đích học tập mà các khoa, bộ môn về ngôn ngữ tại các trường đại học khác sẽ không đi sâu vào ngôn ngữ chuyên ngành của ngành y. Trong khi đó, việc phiên dịch trong khám chữa bệnh yêu cầu về thuật ngữ chuyên môn rất cao. Vậy nên phải là trường đại học chuyên ngành y của Việt Nam mới đủ điều kiện để trở thành cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 20 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

Điều 20. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Hồ sơ:
a) Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh việc thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục;
b) Giấy tờ chứng minh có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này và danh sách giảng viên làm việc toàn thời gian của khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ;
c) Ngân hàng đề thi được sử dụng để kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh của ít nhất một trong các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
2. Trường hợp Cơ sở giáo dục đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh đề nghị bổ sung thêm ngôn ngữ để kiểm tra, công nhận thì hồ sơ thực hiện theo quy định tại các điểm b và c khoản này.
3. Thủ tục:
a) Cơ sở giáo dục gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là kiểm tra ngôn ngữ) theo quy định tại khoản 1 Điều này về Bộ Y tế;
b) Khi nhận được hồ sơ, Bộ Y tế gửi cho cơ sở giáo dục Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 01 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ Y tế phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở giáo dục theo Mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do;
d) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục nêu rõ những nội dung phải sửa đổi bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ.
đ) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục theo Mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này; nếu không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
e) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục, Bộ Y tế đăng tải công khai tên cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng minh việc thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục.
– Giấy tờ chứng minh có khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ và danh sách giảng viên làm việc toàn thời gian của khoa hoặc bộ môn ngoại ngữ.
– Ngân hàng đề thi được sử dụng để kiểm tra, công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh của ít nhất một trong các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh

– Bước 1: Cơ sở giáo dục gửi 01 bộ hồ sơ tới Bộ Y tế. Bộ Y tế gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
– Bước 2: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ ghi trên phiếu, nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Y tế có văn bản thông báo nêu rõ những nội dung phải sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ.
– Bước 3: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; Bộ Y tế có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục. Nếu không được cấp phải có văn bản nêu rõ lý do.
– Bước 4: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ cho cơ sở giáo dục, Bộ Y tế đăng tải công khai tên cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh

Hiện nay không có quy định về mức phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh?

Theo mẫu số 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP, trong Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh không có thông tin về hiệu lực của Giấy. Theo hệ thống quy định của pháp luật Việt Nam, trường hợp giấy có hiệu lực, hiệu lực của giấy sẽ được thể hiện ngay trên giấy. Vậy nên, có thể kết luận, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kiểm tra ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vô thời hạn.

Was this helpful?

0 / 0