Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ là gì?

Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ là giấy phép được cấp cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyên chở hàng hóa khi muốn chở hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ. Việc chở hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ dễ gây ra tổn thất về người và của nên cần được sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ là sự công nhận của Nhà nước đối với một cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân rằng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó có đủ điều kiện cần thiết để có thể chuyên chở hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ.

Đối tượng xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ

Do Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ được cấp cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ chuyên chở hàng hóa; mà việc chuyên chở hàng hóa được thực hiện qua nhiều cách bao gồm: đường sắt; đường thủy nội bộ; đường bộ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.

Và hồ sơ tại Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định là Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Như vậy, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt là đối tượng xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và bằng phương tiện giao thông cơ giới trên đường bộ sẽ xin Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Hồ sơ xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt

Hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt được quy định tại Điều 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 9. Cấp phép, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
1. Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trên đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (sau đây gọi là Nghị định số 42/2020/NĐ-CP).
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường sắt:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC02);
b) Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận tải hàng hóa nguy hiểm;
c) Bảng kê danh mục, khối lượng và tuyến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (ga đi, ga đến); danh sách người áp tải hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
d) Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp đối với hợp đồng vận chuyển hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bằng đường sắt giữa người thuê vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
đ) Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);
c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
4. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).
5. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
6. Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện theo các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này và xem xét, cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (Mẫu số PC05) và biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện (Mẫu số PC01). Trường hợp không cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
8. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt:
a) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn được phân công, phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy;
b) Công an cấp huyện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh và những trường hợp do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh ủy quyền.
9. Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có hiệu lực trên toàn quốc và có giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; có giá trị không quá 24 tháng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thủy nội địa), Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện giao thông đường sắt).
10. Việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm về cháy, nổ bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt thực hiện theo quy định của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Như vậy, hồ sơ xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt bao gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo mẫu tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Bảng kê danh mục, khối lượng và tuyến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ (ga đi, ga đến) kèm danh sách người áp tải hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
– Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt đối với hợp đồng vận chuyển giữa người thuê vận chuyển và cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt.
– Phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố trong vận chuyển hàng hóa có chữ ký, đóng dấu xác nhận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt.
– Phương án làm sạch phương tiện và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp không trực tiếp đến nộp hồ sơ mà ủy quyền cho người khác; hồ sơ phải có thêm:
– Giấy giới thiệu, văn bản ủy quyền.
– Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.

Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt

Có 02 cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt:
– Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh.
– Công an cấp huyện.

Trong đó, thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt quy định như sau:
– Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh cấp cho: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn quản lý của Phòng.
– Công an cấp huyện cấp cho: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc phương tiện hoạt động trên địa bàn không thuộc quản lý của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh; các trường hợp được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh ủy quyền.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt

Trình tự cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bằng đường sắt bao gồm các bước sau:
– Bước 1: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo các phương thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Nộp qua cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến: https://dichvucong.bocongan.gov.vn.
+ Nộp qua bưu điện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thuê dịch vụ hoặc ủy quyền cho người khác.
– Bước 2: Cán bộ tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trực tiếp kiểm tra hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ: tiếp nhận, ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ; ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: Người nộp hồ sơ sẽ được cầm về 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
– Bước 3: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định hồ sơ; cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp không được cấp sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Hiệu lực Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ

Theo quy định tại khoản 9 Điều 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ thường có thời hạn là 24 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt có được thuê dịch vụ ngoài để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ không?

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt có thể thuê dịch vụ ngoài thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp thuê dịch vụ ngoài thực hiện thủ tục; doanh nghiệp cần cung cấp thêm Giấy giới thiệu.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ; cơ quan Nhà nước trả lại hồ sơ kèm Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy; doanh nghiệp có bị giới hạn số ngày nộp lại hồ sơ không?

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ; cơ quan Nhà nước trả lại hồ sơ kèm Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy; doanh nghiệp không bị giới hạn thời gian nộp lại hồ sơ do trong mẫu Phiếu hướng dẫn chỉ có thông tin hướng dẫn cách bổ sung hồ sơ; không có thông tin về thời gian nộp lại hồ sơ.

Was this helpful?

0 / 0