Tài liệu không kinh doanh là gì?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 quy định tài liệu không kinh doanh là xuất bản phẩm không dùng để mua, bán. Trong đó, xuất bản phẩm được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 là tài liệu được thể hiện dưới các dạng sau:
– Sách in.
– Sách chữ nổi.
– Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp.
– Các loại lịch.
– Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

Như vậy, tài liệu không kinh doanh có thể là sách chỉ in ra nhằm mục đích lưu trữ, tặng, cho, không kinh doanh.

Chủ thể cần xin Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

Khoản 1 Điều 25 Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản sau đây cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh”. Như vậy, việc xuất bản tài liệu không kinh doanh có thể do:
– Nhà xuất bản.
– Tổ chức khác.

Trong đó, trước khi Nhà xuất bản xuất bản bất kỳ một tài liệu nào kể cả nhằm mục đích kinh doanh hay không kinh doanh đều cần tiến hành thủ tục đăng ký xuất bản và chỉ được xuất bản khi đã có giấy xác nhận đăng ký xuất bản bằng văn bản. Vậy nên, trường hợp nhà xuất bản muốn xuất bản tài liệu không kinh doanh sẽ thực hiện thủ tục đăng ký xuất bản như bình thường.

Ngoài ra, với những tổ chức khác muốn xuất bản tài liệu không kinh doanh sẽ thực hiện thủ tục xin Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Xuất bản năm 2012 bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép.
– Ba bản thảo tài liệu; trường hợp bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch; trường hợp xuất bản điện tử phải lưu vào thiết bị số.
– Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, Điều 10 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT đã đưa ra hồ sơ cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với nội dung rõ ràng hơn như sau:

Điều 10. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính đến Cục Xuất bản, in và Phát hành hoặc Sở.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet: Nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến phải có chứng thư số của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép để xác nhận trên toàn bộ hồ sơ; nộp qua E-mail phải là bản quét (scan) từ bản giấy có định dạng không cho phép can thiệp, sửa đổi có chữ ký, đóng dấu như bản giấy và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
2. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh lập một (01) bộ hồ sơ, gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Hai (02) bản thảo tài liệu in trên giấy có đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tại trang đầu và giáp lai giữa các trang bản thảo hoặc một (01) bản thảo lưu trong thiết bị lưu trữ điện tử với định dạng không cho phép can thiệp, sửa đổi; trường hợp tài liệu không kinh doanh xuất bản dạng điện tử thì nộp một (01) bản thảo điện tử có chữ ký số của thủ trưởng cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép xuất bản;
Đối với tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải kèm theo bản dịch tiếng Việt có đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản.

Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 14 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT).
– Bản thảo tài liệu đề nghị cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh
+ Trường hợp xuất bản dạng giấy: 02 bản thảo tài liệu in trên giấy có đóng dấu và giáp lai; hoặc 01 bản thảo lưu trong thiết bị điện tử định dạng không cho phép sửa.
+ Trường hợp xuất bản dạng điện tử: 01 bản thảo điện tử có chữ ký số của cơ quan đề nghị cấp phép xuất bản.
+ Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam: kèm theo bản dịch tiếng Việt có đóng dấu của cơ quan đề nghị cấp phép xuất bản.

Thẩm quyền cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

Thẩm quyền cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Xuất bản năm 2012 như sau:

Điều 25. Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh
1. Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh mà không thực hiện qua nhà xuất bản thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản sau đây cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 10 Thông tư 01/2020/TT-BTTT cũng quy định:

Điều 10. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính đến Cục Xuất bản, in và Phát hành hoặc Sở.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet: Nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến phải có chứng thư số của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép để xác nhận trên toàn bộ hồ sơ; nộp qua E-mail phải là bản quét (scan) từ bản giấy có định dạng không cho phép can thiệp, sửa đổi có chữ ký, đóng dấu như bản giấy và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh gồm có Cục Xuất bản, In và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể:
– Cục Xuất bản, In và Phát hành: cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức ở trung ương và tổ chức nước ngoài.
– Sở Thông tin và Truyền thông: cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương của cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

– Bước 1: Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp gửi 01 bộ hồ sơ tới Cục Xuất bản, In và Phát hành/Sở Thông tin và Truyền thông.
– Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành/Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản, đóng dấu vào tài liệu xuất bản và trả lại 01 bản cho cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trường hợp không được cấp sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Phí thẩm định cấp Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

Phí thẩm định cấp Giấy pháp xuất bản tài liệu không kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 214/2016/TT-BTC như sau:

Điều 4. Mức thu phí, lệ phí
Mức thu phí, lệ phí được quy định như sau:
1. Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản:
a) Tài liệu in trên giấy: 15.000 đồng/trang quy chuẩn;
b) Tài liệu điện tử dưới dạng đọc: 6.000 đồng/phút;
c) Tài liệu điện tử dưới dạng nghe, nhìn: 27.000 đồng/phút.

Hiệu lực Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh

Mặc dù không có quy định về thời hạn có hiệu lực của Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh nhưng tại mẫu Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh tại mẫu số 15 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT có đưa ra thời hạn cho Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh là 90 ngày kể từ ngày ký.

Trường hợp tài liệu điện tử có cần đóng dấu giáp lai không?

Tài liệu dạng điện tử không cần đóng dấu giáp lai nhưng đưa ra 02 yêu cầu:
– Tài liệu là dạng không chỉnh sửa được.
– Trong tài liệu phải gắn chữ ký số của công ty.

Trường hợp là tài liệu dạng đọc hoặc dạng nghe, nhìn thì chuẩn bị tài liệu như thế nào?

Trường hợp tài liệu là dạng đọc hoặc dạng nghe, để dễ dàng trong việc chuẩn bị và xử lý, các bạn có thể chuẩn bị đĩa trắng, cop file vào đĩa sau đó dán thêm bìa đĩa và đóng dấu vào bìa đĩa.

Was this helpful?

0 / 0