Mã số thuế cá nhân là gì?
Mã số thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế. Như vậy, có thể hiểu mã số thuế là mã số được cấp cho người nộp thuế, người phụ thuộc để thực hiện quản lý Nhà nước về thuế đối với những cá nhân này.
Tại sao cần chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân?
Thông thường, mỗi cá nhân sẽ có một số CMND hoặc CCCD. Số CMND/CCCD này sẽ dùng để đăng ký cấp mã số thuế. Như vậy, mỗi cá nhân sẽ chỉ có một số CMND hoặc một số CCCD và một mã số thuế.
Tuy nhiên, từ ngày 22/01/2021; cơ quan công an các tỉnh sẽ dừng cấp CMND 9 số và CCCD 12 số mà sẽ cấp sang mẫu CCCD gắn chip 12 số. Bên cạnh đó, mặc dù những mẫu CMND, CCCD đã được cấp trước đó vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng Nhà nước khuyến khích công dân nên đổi sang CCCD gắn chip để tiện lợi hơn trong việc sử dụng do có tích hợp cả sổ hộ khẩu trong CCCD gắn chip. Điều này khiến một người trong một thời điểm có 02 số CCCD/CMND. Dẫn đến việc một người tồn tại 02 mã số thuế.
Mà việc quản lý nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân với Nhà nước được thực hiện dựa trên 01 mã số thuế duy nhất. Bên cạnh đó, điểm b khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó”. Vậy nên, việc cá nhân tồn tại 02 mã số thuế là trái với quy định của pháp luật. Vậy nên, cần chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân trong trường hợp cá nhân tồn tại 02 mã số thuế.
Bản chất của việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân
Bản chất của việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân trong trường hợp cá nhân có 02 mã số thuế cá nhân là quá trình bao gồm 02 giai đoạn sau:
– Chuyển toàn bộ nghĩa vụ thuế từ mã số thuế sau sang mã số thuế trước đó.
– Hủy mã số thuế cá nhân sau đi.
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân
Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 105/2020/TT-BTC như sau:
Điều 14. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
1. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Quản lý thuế và các giấy tờ khác như sau:
Theo đó, hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân đối với trường hợp cá nhân có 02 mã số thuế bao gồm Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 24/ĐK-TCT. Tuy nhiên, trong hồ sơ yêu cầu có giấy tờ có liên quan. Vậy nên, để đảm bảo hồ sơ chấm dứt mã số thuế được thực hiện nhanh và chính xác nhất; cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu số 24/ĐK-TCT. Nên chuẩn bị 02 văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
– Bản sao chứng thực CCCD gắn chip.
– Bản photo CMND/CCCD đã bị hủy sau khi làm CCCD gắn chip.
Lưu ý: Cần thêm bản sao chứng thực CCCD gắn chip và bản photo CMND/CCCD đã bị hủy sau khi làm CCCD gắn chip để cán bộ thuế có thể kiểm tra mã số thuế gắn với số CMND/CCCD đó. Việc CMND/CCCD đã bị hủy chỉ cần bản photo, không cần bản chứng thực do CMND/CCCD sau khi bị cắt góc để tránh sử dụng song song cả hai thẻ sẽ không thể chứng thực được.
Trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân
Việc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân sẽ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới cơ quan thuế.
Trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân sẽ được thực hiện như sau:
– Bước 1: Gửi 01 bộ hồ sơ như trên đến cơ quan thuế nơi quản lý mã số thuế thứ hai. Giả sử như mã số thuế thứ hai thuộc chi cục thuế tại Hà Nội, hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế sẽ nộp lại Bộ phận một cửa – Cục thuế thành phố Hà Nội tại địa chỉ G23-24 Đường Thành Công, Phố Nguyên Hồng, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Trường hợp không thể đến trực tiếp, cá nhân có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ phận một cửa – Cục thuế thành phố Hà Nội.
– Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ thuế sẽ đóng dấu tiếp nhận vào 01 văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế và trả lại cho người nộp hồ sơ.
– Bước 3: Trong vòng 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, mã số thuế sẽ được đóng.
Lưu ý: Việc đóng mã số thuế không có thông báo từ cục thuế; cá nhân tự lên kiểm tra trên trang web: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/.
Có thể chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân online tuy nhiên cần phải có tài khoản trên trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/ và có chữ ký số. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân hiện nay chưa phổ biến. Vậy nên, người nộp thuế có 02 mã số thuế cá nhân vẫn nên đến trực tiếp cơ quan thuế thực hiện thủ tục hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
Cá nhân có thể thực hiện tra cứu trên trang http://tracuunnt.gdt.gov.vn/. Cá nhân thực hiện tra cứu cả CMND/CCCD cũ và CCCD gắn chip mới; nếu thấy mỗi số lại gắn với 01 mã số thuế, cá nhân thực hiện chấm dứt hiệu lựu mã số thuế sau.
Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế cá nhân do có nhiều hơn 1 mã số thuế là hoàn toàn miễn phí.
Was this helpful?
0 / 0