Phát hành xuất bản phẩm là gì?

Xuất bản phẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
– Sách in.
– Sách chữ nổi.
– Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp.
– Các loại lịch.
– Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng.

Như vậy, phát hành xuất bản phẩm là việc thông qua các hình thức mua bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa các tác phẩm đã được xuất bản như sách, tranh, ảnh,…đến tay người sử dụng.

Đối tượng phát hành xuất bản phẩm

Khoản 1, 2 Điều 36 Luật Xuất bản năm 2012 quy định như sau:

Điều 36. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm
1. Cơ sở phát hành xuất bản phẩm bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hộ kinh doanh xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở phát hành).
Nhà xuất bản được thành lập cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
2. Cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này.

Như vậy, đối tượng phát hành xuất bản phẩm sẽ bao gồm:
– Doanh nghiệp.
– Đơn vị sự nghiệp công lập.
– Hộ kinh doanh.

Trong đó, hộ kinh doanh không cần xin Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm.

Điều kiện đối với cơ sở phát hành xuất bản phẩm

Điều kiện đối với cơ sở phát hành xuất bản phẩm quy định tại khoản 3, 4 Điều 36 Luật Xuất bản năm 2012.

Điều 36. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm
3. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp;
b) Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
c) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.
4. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là hộ kinh doanh:
a) Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam;
b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Điều kiện đối với cơ sở phát hành xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

– Người đứng đầu cơ sở phát hành thường trú tại Việt Nam; có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm.
– Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.
– Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Điều kiện đối với cơ sở phát hành xuất bản phẩm là hộ kinh doanh

– Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam.
– Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm.

Hồ sơ đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm

Điều 17 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định như sau:

Điều 17. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm quy định tại Điều 37 Luật xuất bản
1. Trước khi hoạt động 15 ngày, cơ sở phát hành xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ sở phát hành) phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo từng trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 37 của Luật xuất bản.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm được nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính đến Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở.
Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet, cơ sở phát hành phải có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
3. Hồ sơ được lập thành một (01) bộ gồm:
a) Đơn đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm;
b) Bản sao (xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ sở hữu trụ sở hoặc hợp đồng thuê, mượn trụ sở để làm địa điểm kinh doanh;
c) Bản sao (xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực so hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh được phép thường trú tại Việt Nam của người đứng đầu cơ sở phát hành do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
d) Bản sao (xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm của người đứng đầu cơ sở phát hành do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành hoặc Sở phải xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm bằng văn bản; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm không còn giá trị trong trường hợp cơ sở phát hành được sáp nhập, chia tách, giải thể hoặc phá sản.

Như vậy, hồ sơ đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm bao gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm (mẫu số 36 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT).
– Bản sao có chứng thực giấy tờ sở hữu trụ sở hoặc hợp đồng thuê, mượn trụ sở để làm địa điểm kinh doanh.
– Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh được phép thường trú tại Việt Nam của người đứng đầu cơ sở phát hành.
– Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm của người đứng đầu cơ sở phát hành.

Thẩm quyền đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm

– Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên: Cục Xuất bản, In và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông.
– Cơ sở phát hành có trụ sở chính và chi nhánh tại cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Sở Thông tin và Truyền thông – Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lưu ý: Riêng tại Hà Nội, thẩm quyền đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã thực hiện theo Thông báo về việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội do Sở Thông tin và Truyền thông – Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 26/12/2022.

Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm

– Bước 1: Cơ sở phát hành xuất bản phẩm nộp 01 bộ hồ sơ tới Cục Xuất bản, In và Phát hành/Sở Thông tin và Truyền thông.
– Bước 2: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành/Sở Thông tin và Truyền thông cấp Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm bằng văn bản; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Cơ sở phát hành sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản, Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm còn hiệu lực không?

Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm sẽ chấm dứt hiệu lực khi cơ sở phát hành xuất bản phẩm sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT.

Cơ sở phát hành xuất bản phẩm phải xin Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm bao lâu trước khi hoạt động?

Trước khi hoạt động 15 ngày, cơ sở phát hành xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm.

Was this helpful?

0 / 0