Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là gì?

Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy hiểu đơn giản là cơ sở chuyên cung cấp trang thiết bị; giải pháp liên quan đến việc phòng cháy chữa cháy như:
– Cung cấp và vận hành xe chữa cháy.
– Đào tạo lực lượng nhân sự cứu hỏa cho khu công nghiệp.
– Cung cấp trang thiết bị chuyên dụng.
– Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ định kỳ cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp.
– Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy của khu công nghiệp.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy sẽ được kiểm tra phòng cháy chữa cháy sau khi được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.

Nội dung kiểm tra phòng cháy chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy

Nội dung kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP là việc kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hay không? Cụ thể Điều 41 quy định như sau:

Điều 41. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là cơ sở kinh doanh), gồm: Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh.
2. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này phải có văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy và là người có tên tại một trong các văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp.
Trường hợp người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh là người nước ngoài, đã có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy hoặc chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự.
3. Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy:
a) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy;
b) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng;
c) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
d) Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
đ) Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
4. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực tư vấn theo quy định tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 43 Nghị định này; trong đó có ít nhất 01 cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
5. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
6. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
7. Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công được cấp Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 43 Nghị định này.
8. Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
9. Đối với cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
10. Các cá nhân quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này phải tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ sở đó.
Cá nhân đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ để bảo đảm cho một cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó để bảo đảm cho cơ sở khác đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, việc kiểm tra phòng cháy chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy sẽ kiểm tra chủ yếu về các nội dung sau:
– Văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy của chủ cơ sở; người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người đứng tên trên Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
– Cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
– Chứng chỉ hành nghề đối với những cá nhân làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.

Hình thức kiểm tra phòng cháy chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy

Việc kiểm tra về phòng cháy chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy sẽ được thực hiện theo 02 hình thức: kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra định kỳ khi: sau khi cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra định kỳ 01 năm 1 lần.
– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra đột xuất khi: có dấu hiệu vi phạm điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định; hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. 

Thủ tục kiểm tra phòng cháy chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy

Kiểm tra định kỳ

– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo trước 03 ngày làm việc cho cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra.
– Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra.

Kiểm tra đột xuất

– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra; xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý.
– Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra.
– Việc kiểm tra được lập thành biên bản, có chữ ký của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy. Trường hợp đối tượng kiểm tra không ký biên bản thì phải có xác nhận của hai người làm chứng hoặc chính quyền địa phương.

Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra đột xuất có cần báo trước cho cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy không?

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra đột xuất không cần báo trước cho cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy; chỉ cần thông báo rõ lý do và có giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý.

Chu kỳ kiểm tra định kỳ sẽ kéo dài trong bao lâu?

Chu kỳ kiểm tra định kỳ sẽ là 01 năm 1 lần.

Was this helpful?

0 / 0