Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy là gì?
Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Trong đó quy định, việc nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy là hoạt động thực hiện với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng.
Như vậy, nghiệm thu là thủ tục thực hiện để kiểm tra kết quả thực tế sau khi đã thẩm duyệt và đồng ý cho sử dụng thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Tại sao cần nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy?
Việc cần nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bắt đầu từ thủ tục để có thể xin giấy phép xây dựng và tiến hành xây dựng một công trình hoặc lắp đặt một phương tiện giao thông cơ giới. Để được cấp phép; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xây dựng, lắp đặt phải có hồ sơ kèm bản vẽ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành thẩm duyệt thiết kế. Sau khi đã thẩm duyệt thiết kế xong; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có văn bản trả lời; sau đó cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động mới được cấp phép. Và sau khi xây dựng, lắp đặt xong; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm thực tế một lần nữa để đảm bảo sản phẩm phù hợp với thiết kế đã được thẩm duyệt trước đó và có khả năng sử dụng thực tế.
Việc nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy có thể hiểu là bước 2 của việc thẩm định một công trình, một thiết kế. Sau khi thẩm duyệt về mặt lý thuyết thì sẽ tiến hành kiểm tra về mặt thực tế.
Đối tượng cần nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Đối tượng cần nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Dự án, công trình, phương tiện giao thông.
– Có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
– Đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
Hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
2. Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy:
a) Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
b) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
c) Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
d) Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
đ) Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
e) Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;
g) Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.
Như vậy, hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bao gồm:
– Bản sao Giấy chứng nhận/văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
– Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
– Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.
– Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới.
– Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy.
– Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục cần chuẩn bị thêm giấy ủy quyền và CCCD/CMND/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người thực hiện thủ tục.
Thẩm quyền nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; việc nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy trước đó. Như vậy, thẩm quyền nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bao gồm:
– Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); công trình có chiều cao trên 100 m; công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
– Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
Trình tự, thủ tục nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy
Trình tự, thủ tục nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
– Bước 1: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tối thiểu 10 ngày trước ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu.
– Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ: cán bộ tiếp nhận và ghi thông tin vào 02 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: cán bộ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và ghi thông tin vào 02 bản Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: 01 phiếu sẽ do cán bộ giữ, 01 phiếu sẽ giao lại cho người nộp hồ sơ.
– Trong vòng từ 07 đến 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nghiệm thu và lập biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu.
– Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua kết quả nghiệm thu; cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và trả lại hồ sơ nghiệm thu đã nhận trước đó. Trường hợp không được chấp thuận sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Chủ đầu tư, chủ phương tiện chỉ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục liên quan đến hồ sơ khi thực hiện thủ tục nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu. Trong trường hợp ủy quyền, chủ đầu tư, chủ phương tiện chuẩn bị thêm Giấy giới thiệu và CCCD/CMND/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người được ủy quyền.
Sau khi nộp hồ sơ; cơ quan Cảnh sát về phòng cháy chữa cháy trước đó sẽ đến kiểm tra trực tiếp dự án, công trình, phương tiện. Việc kiểm tra này chủ đầu tư, chủ phương tiện không thể ủy quyền được.
Thủ tục nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Sau khi nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu thành công và được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có thể đưa vào sử dụng.
Was this helpful?
0 / 0